10:12 02/10/2012

Kiên Giang dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực

Tổng sản lượng lương thực năm 2012 của tỉnh ước đạt trên 4,2 triệu tấn, tăng gần 293.000 tấn so với năm 2011. Đây là năm thứ hai liên tiếp Kiên Giang dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực và cao nhất từ trước đến nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tổng sản lượng lương thực năm 2012 của tỉnh ước đạt trên 4,2 triệu tấn, tăng gần 293.000 tấn so với năm 2011. Đây là năm thứ hai liên tiếp Kiên Giang dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực và cao nhất từ trước đến nay.


Thu hoạch lúa ở Kiên Giang. Ảnh Internet.


Để đạt được kết quả này, tỉnh đã cơ cấu mùa vụ sản xuất gồm: đông xuân, hè thu, thu đông (lúa vụ 3), lúa mùa, lúa - tôm, với tổng diện tích gieo cấy khoảng 700.000 ha, năng suất bình quân 6 tấn/ha.

Sản lượng lúa tăng nhờ mở rộng diện tích sản xuất từ khai phá đất vườn tạp ở vùng Tây sông Hậu; khai hoang, phục hóa và chuyển đất nuôi tôm kém hiệu quả sang trồng lúa ở vùng Tứ giác Long Xuyên kết hợp tăng vụ.

Diễn biến thời tiết có phần thuận lợi hơn, mưa nhiều đủ nước tưới cho lúa, phù sa mùa lũ năm 2011 làm tăng độ phì nhiêu cho đất giúp nông dân sản xuất hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện sản xuất theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cũng bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể về năng suất, chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa. Ngoài việc cơ giới hóa từ làm đất đến thu hoạch, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng đất, bố trí lịch thời vụ chặt chẽ của ngành chức năng, phần lớn nông dân đều thay đổi cơ cấu giống lúa, chọn những giống lúa mới thích hợp với đất đai, chịu được phèn, mặn, kháng sâu bệnh và năng suất cao để gieo sạ đạt những vụ mùa bội thu.

Tuy nhiên, sản xuất lúa ở tỉnh Kiên Giang còn nhiều bất cập, như: hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ để chủ động điều tiết nguồn nước; tỷ lệ giống lúa xác nhận còn thấp, nông dân sử dụng các giống lúa có phẩm cấp thấp để gieo sạ còn khá phổ biến; liên kết “4 nhà” chưa được thực hiện trên quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp thường rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, nông dân trồng lúa lợi nhuận thấp; việc lạm dụng thuốc, phân bón hóa học có xu hướng ngày càng tăng, làm tăng chi phí trong sản xuất, ảnh hưởng xấu đến môi trường...


Lê Huy Hải