04:19 19/04/2015

Kiểm định chặt chẽ việc đổi mới sách giáo khoa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam.

Ảnh minh họa.


Đề án nhấn mạnh về việc chương trình, sách giáo khoa mới sẽ lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo. Sau đó, nhà trường, giáo viên sẽ lựa chọn những bộ sách phù hợp.

* Cạnh tranh công bằng về chất lượng

Đề án sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn từ năm 2015-2023. Cụ thể, từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, việc làm thế nào để kiểm định được chất lượng sách giáo khoa và tiêu chí nào để tuyển chọn các đơn vị tham gia xuất bản là vấn đề đáng quan tâm và đã được nhiều chuyên gia giáo dục quan tâm, chia sẻ.

Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đề án một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ giúp không còn tình trạng duy nhất một bộ sách giáo khoa độc quyền phát hành. Theo đề án, trong năm học 2018-2019, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa do nhiều đơn vị biên soạn dựa trên một khung chương trình chuẩn được đưa ra để các cơ sở giáo dục lựa chọn giảng dạy. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế của nền giáo dục tiên tiến. Muốn vậy, Việt Nam phải có chính sách thỏa đáng, không thiên vị, động viên được được trí tuệ của số đông, khuyến khích các nhà trí thức viết sách.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu nhiều người tham gia viết sách giáo khoa, nhiều tổ chức tham gia xuất bản sách giáo khoa thì Việt Nam sẽ có một cuộc cạnh tranh công bằng về chất lượng. Từ đó, sách giáo khoa được chọn để đưa vào giảng dạy sẽ là một bộ sách tốt hơn cả về nội dung lẫn hình thức. Tuy nhiên để thực hiện được chủ trương này không phải đơn giản vì khi nhiều tổ chức, cá nhân tham gia viết sách giáo khoa thì chắc chắn các bộ sách này phải được đem ra dạy thử nghiệm, công tác đánh giá chất lượng sách là việc khó khăn.

Để lựa chọn sách giáo khoa đủ điều kiện đưa vào giảng dạy cần có một Hội đồng thẩm định cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập. Vì vậy, theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, không chỉ riêng hiệu trưởng có quyền lựa chọn sách giáo khoa mà tập thể giáo viên bộ môn trong trường phải cùng thảo luận để chọn bộ sách thích hợp nhất, đảm bảo tính khách quan. Thư viện trường cũng có thể đầu tư nhiều bộ sách để giáo viên tham khảo.

* Nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên

Cũng theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chương trình mới, sách giáo khoa mới nhưng giáo viên không “mới” thì vẫn khó làm tốt công việc đổi mới giáo dục, nhất là khi giáo viên vẫn áp đặt lối dạy cũ, tư duy cũ cho học sinh. Vì thế, vấn đề bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy của người giáo viên cần được đặt lên hàng đầu. Giáo viên cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương pháp giảng dạy, tư duy giáo dục để không dạy theo lối “nhồi nhét” cũ.

Cùng ý kiến với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Hồ Sỹ Đàm, giảng viên cao cấp, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, kiểm định chương trình mới, sách giáo khoa mới là vấn đề cần phải tiến hành ngay. Theo ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự đầu tư bài bản để có đề án phù hợp. Chủ trương nhất quán nội dung sách từ lớp 1 đến lớp 12 cũng hoàn toàn hợp lý, tránh tình trạng trùng lặp nội dung.

Sau khi tiến hành thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa công khai các bộ sách giáo khoa để học sinh, giáo viên có thể tham khảo, khai thác. Ngoài sách giáo khoa cho học sinh các cấp học, sách giáo viên cũng cần được chú trọng đầu tư như đối với tập huấn nâng cao chất lượng giảng dạy cho giáo viên. Khi giáo viên hiểu rõ được sách giáo khoa mới, chương trình mới thì sẽ vận dụng đúng, đổi mới trong tư duy, phương pháp giảng dạy. Hội đồng thẩm định và hội đồng biên soạn cũng nên có các cuộc làm việc chung trước khi soạn sách để có cái nhìn nhất quán, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức.


TTXVN/Tin tức