01:15 27/01/2011

Kiềm chế lạm phát: Bài toán hóc búa đối với châu Âu

Năm 2008, sau khi “cuộc khủng hoảng thế kỷ” bùng phát, chuyên gia kinh tế trưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Lâm Nghị Phu từng cảnh báo các nước “không thể giải quyết một vấn đề mà lại để nảy sinh một vấn đề khác lớn hơn”.

Năm 2008, sau khi “cuộc khủng hoảng thế kỷ” bùng phát, chuyên gia kinh tế trưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Lâm Nghị Phu từng cảnh báo các nước “không thể giải quyết một vấn đề mà lại để nảy sinh một vấn đề khác lớn hơn”.


Những cơn “sóng thần tài chính” trước đây đã dạy thế giới bài học kinh nghiệm đó. Nhưng dường như trong hoàn cảnh khó khăn, người ta đã phớt lờ sự mách bảo từ quá khứ và giờ đây thế giới đang phải gánh chịu “di chứng” của việc đối phó với khủng hoảng tài chính, đó chính là lạm phát. Đối với châu Âu, vấn đề càng trở nên trầm trọng vì “lục địa già” còn phải đối mặt với khủng hoảng nợ.

Sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, nhằm bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính và ngăn ngừa suy thoái kinh tế, các nước trên thế giới đua nhau tung ra các gói kích thích kinh tế, giải cứu thị trường. Hiện nay, tác dụng phụ của chính sách này dần xuất hiện.


Các gói kích thích kinh tế, giải cứu thị trường ở một mức độ nhất định đã gây ra tình trạng dư thừa tiền lưu thông trên thị trường và giá cả leo thang hiện nay. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng đối với các nền kinh tế mới nổi ít chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và hồi phục kinh tế nhanh. Để kiềm chế lạm phát, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác đã sử dụng một số biện pháp như tăng lãi suất, nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng.

Nhưng có một việc khiến người ta không ngờ là châu Âu, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và đang chìm trong khủng hoảng nợ cũng rơi vào cảnh lạm phát tăng cao.


Theo số liệu mới nhất vừa được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 14/1, tháng 12/2010, tỉ lệ lạm phát của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) là 2,2%, mức cao nhất trong 2 năm qua và đã vượt qua “vạch đỏ” 2% mà Ngân hàng châu Âu (ECB) đưa ra. Chuyện các nền kinh tế mới nổi có tỉ lệ lạm phát cao có thể dễ dàng được hiểu là do tác động của tăng trưởng kinh tế nhanh, áp lực tăng giá lớn.


Nhưng với châu Âu, nơi xu thế hồi phục mới ló dạng và chưa có nền tảng vững chắc, ngành ngân hàng chưa thể bù đắp được các khoản thua lỗ trước đây, hệ thống tài chính vẫn thiếu tiền, việc lạm phát tăng cao, lạm phát cao có điều gì đó khó hiểu và đáng để phân tích làm rõ vấn đề.

Thực ra, nếu loại bỏ các nhân tố như năng lượng và thực phẩm, tỉ lệ lạm phát lõi của Eurozone chỉ còn 1,1%. Từ đó có thể thấy rằng lạm phát của Eurozone chịu tác động rất lớn từ sự leo thang của giá năng lượng và giá lương thực trên thế giới.


Nói một cách khác, lạm phát của Eurozone tăng cao không phải do tăng trưởng kinh tế của các nước Eurozone gây ra mà chủ yếu bắt nguồn từ các tác động ở bên ngoài. Bên cạnh đó, so với tỉ lệ lạm phát 4,6% của Trung Quốc, tỉ lệ lạm phát 2,2% của Eurozone không phải là cao, nhưng đối với khu vực này, đó lại là áp lực rất lớn và gây ra thách thức nghiêm trọng cho chính sách tiền tệ trong tương lai.

Từ khi Eurozone thành lập tới nay, ECB luôn coi việc kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ, thậm chí còn cao hơn cả tăng trưởng kinh tế.


Nhìn lại lịch sử 12 năm của Eurozone, người ta sẽ thấy mỗi khi tỉ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu này tiếp cận hoặc vượt qua 2%, ECB liền tăng lãi suất để kìm chế lạm phát. Nhưng biện pháp hữu hiệu trong quá khứ giờ vẫn chưa được ECB áp dụng. Đơn giản là bởi tình hình hiện nay đã khác xưa.

Vì bị ngập vào khủng hoảng nợ, các nước châu Âu không thể không khống chế thâm hụt tài chính, cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ.

Trong bối cảnh đó, nếu ECB thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, e rằng xu thế hồi phục kinh tế của châu Âu sẽ bị chặn đứng. Đặc biệt là nếu ECB tăng lãi suất vào lúc này, kinh tế các nước Nam Âu như Hy Lạp vốn đầm đìa nợ lại chưa thoát khỏi suy thoái sẽ rơi vào cảnh họa vô đơn chí, chẳng những không có cách nào trả nợ, mà sự ổn định của liên minh tiền tệ cũng sẽ bị đe dọa.


Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, không gian xoay xở của chính sách tài chính của châu Âu không còn nhiều. Muốn kiềm chế lạm phát, tăng lãi suất là lựa chọn hiện thực, nhưng sẽ kéo theo rủi ro kinh tế xấu đi và đó chính là điều khiến ECB phải cân nhắc, đắn đo chưa thực hiện.

Mặt khác, lạm phát cũng đã bộc lộ điểm yếu của kinh tế châu Âu, đó là việc ứng phó với lạm phát trong bối cảnh chính sách tiền tệ bị hạn chế phải phụ thuộc rất nhiều vào sự lắng dịu của áp lực bên ngoài.


Nói một cách khác, châu Âu đang trông chờ vào việc giá của các loại hàng hóa cơ bản sẽ giảm xuống. Xem xét tình hình hiện nay, người ta thấy rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ vẫn duy trì xu thế tăng trưởng nhanh. Ẩn số của kinh tế thế giới vì thế chủ yếu đến từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu.

Nếu kinh tế Âu-Mỹ cũng hồi phục ổn định, sự gia tăng về nhu cầu năng lượng, tài nguyên sẽ kéo theo sự leo thang về giá các loại hàng hóa. Trong trường hợp kinh tế Mỹ rơi vào mất ổn định một lần nữa, Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng định lượng để đối phó, làm tăng lưu thông của đồng USD trên thị trường quốc tế. Với vai trò là đồng tiền quốc tế, một khi tính lưu thông của đồng USD tăng lên, giá của hàng hóa cơ bản sẽ tăng theo.

Từ đó có thể thấy trong bất cứ tình huống nào, giá của các loại hàng hóa cơ bản như năng lượng đều khó có thể được kiềm chế một cách hữu hiệu, tiếp tục tác động tiêu cực tới sự ổn định kinh tế của châu Âu.


Cùng với vấn đề nợ, việc kiềm chế lạm phát e rằng sẽ trở thành bài toán hóc búa mà châu Âu không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)