10:09 24/10/2011

Kích thích thanh long ra hoa trái vụ

Hiện nay, tại huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), nông dân sử dụng đèn cao áp để kích thích cho thanh long ra hoa trái vụ.

Mấy năm qua, nông dân Bình Thuận thường dùng bóng đèn tròn dây tóc hoặc bóng đèn compact có công suất từ 20W đến 100W để kích thích cho thanh long ra hoa trái vụ, nhưng chi phí tiền điện vẫn còn khá cao so với 1 kg thanh long thương phẩm. Hiện nay tại huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) xuất hiện cách làm mới là sử dụng đèn cao áp để kích thích cho thanh long ra hoa trái vụ.

Người trồng thanh long ở Binh Thuận sử dụng đèn cao áp kích thanh long ra hoa trái vụ.


Chị Nguyễn Thị Phương Vinh, công tác tại Trạm Bảo vệ thực vật Phan Thiết, người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết: Sau một thời gian triển khai mô hình đã mang lại hiệu quả khả quan. Xử lý bóng đèn cao áp 250W có khả năng kích thích thanh long ra hoa sớm. Một bóng đèn cao áp có thể thắp trung bình cho khoảng 27 trụ thanh long đảm bảo đủ ánh sáng để kích thích thanh long ra hoa trái vụ, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tỉ lệ xử lý đạt hiệu quả tiết kiệm điện năng và kinh tế là 18 bóng/500 trụ thanh long. Nếu sử dụng bóng đèn tròn dây tóc hoặc đèn Compact với 500 trụ thanh long thì số lượng đèn phải sử dụng là 500 bóng.

Theo chị Vinh, sử dụng đèn cao áp 250W, ánh sáng vàng giúp giảm điện năng tiêu thụ, giảm tiền điện khoảng 55% so với đèn compact 20W và giảm khoảng 85% so với đèn tròn dây tóc 60W. Việc sử dụng đèn cao áp 250W ánh sáng vàng có khả năng kích thích thanh long ra hoa trái vụ đạt hiệu quả cao hơn, tiết kiệm điện năng, tiết kiệm thời gian, chí phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.

Bình Thuận hiện có gần 13.000 ha thanh long, trong đó diện tích có điện để xử lý thanh long ra hoa trái vụ là khoảng 8.500 ha. Như vậy, khi diện tích thanh long trên khi vào vụ "chong điện" sẽ tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn và người trồng thanh long phải trả số tiến lớn tương ứng. Ngoài ra, việc chong đèn hiện nay còn gây nhiều nguy hiểm cho người chong đèn thanh long do nguy cơ bị điện giật.

Theo ông Hồ Trung Phước, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận, đây là một mô hình mới, sáng tạo và được hình thành dựa trên thực tế sản xuất. Với hiệu quả bước đầu, mô hình hứa hẹn sẽ đưa ra cách làm mới tiết kiệm điện năng, giảm chi phí sản xuất và an toàn cho người trồng thanh long./.



Nguyễn Thanh