08:06 15/08/2014

Khủng hoảng Ukraine: Ván cờ nguy hiểm

Gần 6 tháng kể từ khi diễn ra các sự kiện đẫm máu trên Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev, khiến Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich ra đi không kèn không trống, cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngày càng diễn biến theo chiều hướng quyết liệt, với tốc độ chóng mặt.

Gần 6 tháng kể từ khi diễn ra các sự kiện đẫm máu trên Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev, khiến Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich ra đi không kèn không trống, cuộc khủng hoảng tại Ukraine ngày càng diễn biến theo chiều hướng quyết liệt, với tốc độ chóng mặt.

 

Miền đông Ukraine đổ nát vì chiến sự. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Nó khiến hàng trăm nghìn người dân vô tội ở miền Đông phải rời bỏ nhà cửa, trở nên bần cùng và không nhìn thấy tương lai. Những người trụ lại sống trong cảnh không điện, nước, tên bay đạn lạc. Còn chính những người dân khu vực không có chiến sự cũng ở trong tình cảnh bất ổn, khó khăn hơn. Người dân thủ đô Kiev bị cắt nước nóng trong một mùa hè "khó thở" để dành khí đốt cho mùa đông báo hiệu những điều chẳng lành. Cuộc khủng hoảng càng phát triển, triển vọng và tương lai của đất nước xinh đẹp, hiền hòa này càng mờ mịt hơn. Và điều thực sự đáng sợ là những mưu đồ đằng sau nó với hậu quả khôn lường không chỉ trước mắt, mà có thể còn tác động tới nhiều thế hệ.


Cuộc biểu tình tại Maidan nổ ra tối 21/11/2013, sau khi ông Yanukovich hoãn ký thỏa thuận hội nhập châu Âu. Phong trào biểu tình dần biến thành bạo lực đường phố khi người biểu tình ban đầu được thay bằng những người từ miền Tây tới theo nhóm, luân phiên bám trụ tại Quảng trường Độc lập. Nghệ thuật của những người cầm đầu biểu tình cũng rất đáng khâm phục. Sau một thời gian bám trụ, thử sức chịu đựng, họ biết cách đưa làn sóng phản kháng lên cao trào, kích động, tận dụng sức ép mạnh mẽ của phương Tây để mau chóng đạt được mục đích lật đổ chính phủ dù ai đó phải mang tiếng bội ước. Điều cần lưu ý ở đây là những tay súng bắn tỉa mà có lẽ chúng ta chẳng thể tìm ra, nã đạn cả vảo cảnh sát lẫn người biểu tình. Có thể khẳng định nếu ông Yanukovich không nghĩ tới người dân, mạnh tay như những gì chính quyền Kiev đang áp dụng ở Donbass, có lẽ EuvroMaidan chẳng thể bám trụ và tình hình đã đi theo hướng khác.


Hầu hết các chuyên gia quốc tế đều nhận định khủng hoảng ở Ukraine thực chất là cuộc đấu giành giật địa chính trị giữa các cường quốc, cụ thể là Nga và Mỹ. Vai trò địa chính trị của Ukraine càng quan trọng thì cuộc xung đột diễn ra càng gay gắt.


Tiếp sau tháng 2 đẫm máu tại Quảng trường Độc lập, trung tâm khủng hoảng chuyển sang Crimea. Ai cũng hiểu LB Nga không chấp nhận cho NATO trở thành người chủ quân cảng Sevastopol ở Crimea với lịch sử hào hùng có từ thời Ekatherina đệ Nhị và chẹn con đường ra Biển Đen của họ. Điều mà như Tổng thống Nga Vladimir Putin nói thẳng là thà để binh sĩ NATO làm khách mời của chúng ta còn hơn trở thành khách được NATO mời tới thăm Sevastopol. Nga làm được điều này bởi đằng sau họ có sự hậu thuẫn, đồng tình của 75% người gốc Nga ở Crimea vốn xem một loạt luật được thông qua vội vã ở thủ đô Kiev, trong đó có luật không xem tiếng Nga như ngôn ngữ thứ 2 ở Ukraine, chẳng khác nào hành động bài người gốc Nga cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít mới. Điều có thể thấy rõ là hành động của Nga đã tránh cho Crimea không rơi vào cảnh đổ máu, hỗn loạn như ở các tỉnh Đông Nam Ukraine khác.


Đến thời điểm đó, nếu chính phủ Ukraine biết dừng đúng lúc, cân nhắc và suy xét thận trọng, có lẽ cuộc khủng hoảng đã rẽ theo ngả khác. Tuy nhiên, sự kiện Crimea càng là cái cớ để kích động lòng hận thù dân tộc, đẩy miền Đông vào cảnh huynh đệ tương tàn.


Cuộc bầu cử tổng thống sớm là cơ hội nữa để ông Petro Poroshenko ngay sau khi đắc cử đem đến làn gió mới, đưa ra những nỗ lực giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, điều đó có vẻ như xa xỉ, lãnh đạo Ukraine dường như vẫn đi theo con đường được lập trình sẵn, đó là chính sách đoạn tuyệt với Nga và hệ quả của nó là khung cảnh đổ nát và tan hoang ở 2 tỉnh Donetsk và Lugansk. Nước cờ nguy hiểm xuyên cuộc chiến miền Đông đó là đưa lò lửa chiến tranh tới sát nước Nga, đẩy Nga ra xa hơn dân tộc Ukraine và gieo rắc lòng hận thù giữa hai dân tộc, để tạo ra những hậu quả trong nhiều thế hệ. Điều này sẽ phục vụ tốt cho mục đích chiếm đoạt địa chính trị của ai đó hiện nay và về lâu về dài. Một số chuyên gia Nga còn cho rằng cuộc chiến này chính là hình thức thanh lọc sắc tộc, ép di dân, tàn phá miền Đông hòng đạt được những thay đổi lớn về tư tưởng trong khu vực.


Trong khi đó, kinh tế Ukraine, vốn đã ở trong tình trạng khó khăn nay càng khó khăn hơn vì phải gánh chịu phí tổn chiến tranh cùng di sản nặng nề từ cuộc chiến. Ukraine càng bị cột chặt hơn vào thế lực nào đó, đến mức có thể trở thành con rối cho họ giật dây. Nên nhớ các điều kiện của IMF để Ukraine có thể vay tiền trước đây đã bị ông Yanukovich bác bỏ vì cho rằng nó ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân, song nay Ukraine chẳng còn sự lựa chọn nào khác.


Cuộc đấu địa chính trị quả thật nghiệt ngã với những nước cờ tàn độc, nó ràng buộc và bần cùng hóa một quốc gia, coi rẻ sinh mạng con người, giống như gần 300 con người đáng thương trên chuyến bay MH17 định mệnh.


Duy Trinh