09:11 25/09/2014

Khủng hoảng Ukraine phơi bày ‘điểm yếu’ của Nga?

Hai xu hướng làm suy giảm sức mạnh của Nga đối với các nước láng giềng: sự hội nhập ngày càng tăng với châu Âu và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Có hai xu hướng làm suy giảm sức mạnh của Nga đối với các nước láng giềng: sự hội nhập ngày càng tăng với châu Âu và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Đó là nhận xét của Tiến sỹ Chris Miller tại Đại học Yale và là một nhà nghiên cứu tại Học viện Hoover (Mỹ). Trong bài bình luận trên trang mạng Yaleglobal.yale.edu mới đây với tiêu đề: “War in Ukraine Exposes Russia’s Weakness” (Cuộc chiến ở Ukraine phơi bày điểm yếu của Nga), ông Miller đưa ra một số nhận xét sau:

Việc Nga sáp nhập Crimea đã giúp cho uy tín của Tổng thống Vladimir Putin tăng vọt không chỉ ở Nga, mà còn cả ở một số nước phương Tây. Ông được nhiều người coi là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đạt được mục tiêu quốc gia. Nhưng thực tế có vẻ ảm đạm hơn đối với Moskva.

Tổng thống Nga Putin, đang tìm cách gây ảnh hưởng đối với các nước thuộc Liên Xô cũ, phải cạnh tranh với EU và Trung Quốc đang trỗi dậy.


Nhằm khôi phục lại vị thế và tầm ảnh hưởng của mình vốn bị mất đi khi Liên Xô sụp đổ, Liên minh Á-Âu mới của ông Putin, với sự liên kết về mặt kinh tế giữa Nga với Kazakhstan, Belarus và bao gồm cả Ukraine, có thể là một dấu hiệu của sự suy giảm liên tục của Moskva. Sức “hấp dẫn” của Liên minh châu Âu (EU) về phía tây và một Trung Quốc đang trỗi dậy ở phía đông tiếp tục “gặm mòn” sức mạnh và ảnh hưởng của Nga.

Chính sách đối ngoại của Điện Kremlin trong những năm gần đây đã tập trung vào việc tạo ra một Liên minh Á-Âu để tích hợp nền kinh tế của Nga với các nước láng giềng hậu Xô-viết. Moskva đã hy vọng rằng sự kết hợp mới có thể xây dựng lại tầm ảnh hưởng đã bị mất khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Putin bao gồm Ukraine trong Liên minh Á-Âu đã đụng độ với mong muốn hướng tới EU của Kiev.

Với lợi thế từ dầu khí, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng đáng kể dưới sự cầm quyền của Tổng thống Putin, nhưng sự phục hồi kinh tế của Moskva đã không đi kèm với một sự mở rộng ảnh hưởng ở khu vực mà Nga đề cập đến như là "nước ngoài ở gần" - gồm 5 quốc gia Trung Á; 3 nước vùng Caucasus; cộng với Belarus, Moldova và Ukraine – những quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Trong khi đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm suy yếu ảnh hưởng của Điện Kremlin ở Trung Á. Trong những năm 1990, 5 quốc gia Trung Á đã phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Nga. Nhiều nhà phân tích cho rằng Moskva sẽ tiếp tục thống trị khu vực, đặc biệt là vì phương Tây có ít lợi ích ở đây, trong khi cường quốc khu vực khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đến nay vẫn còn yếu hơn nhiều so với Nga.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi điều đó. 5 quốc gia Trung Á đã phát triển mối quan hệ thương mại rộng rãi với Trung Quốc, xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, và nhập khẩu hàng tiêu dùng. Việc thay đổi các mô hình thương mại cũng đã có những ảnh hưởng chính trị sâu sắc. Khi thương mại với Nga chiếm phần lớn kim ngạch xuất, nhập khẩu ở Trung Á, các quốc gia ở khu vực này đã tránh việc “đụng chạm” tới Moskva.

Nhưng giờ đây, sau khi đường ống dẫn khí mới tới Trung Quốc được xây dựng và sau khi Bắc Kinh mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực khai thác hầm mỏ và cơ sở hạ tầng tới khu vực, các chính phủ ở Trung Á có xu hướng độc lập hơn từ Moskva.

Mặc dù Điện Kremlin vẫn còn nắm "con át chủ bài”, khi mà rất nhiều người Trung Á đang làm việc tại Nga, nếu họ bị trục xuất sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với các nền kinh tế của Trung Á. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Moskva đối với khu vực này đã bị suy giảm từ năm 1999 và hiện nay, trong khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, mà kinh tế Nga lại trì trệ, thì khoảng cách giữa Moskva và các chính phủ ở Trung Á sẽ tiếp tục mở rộng.


Công Thuận