02:10 11/02/2011

Khủng hoảng tại Ai Cập: Tổng thống Mubarak trước sức ép từ chức

Đêm 10/2 đã xuất hiện nhiều thông tin khác nhau xung quanh việc từ chức của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

Đêm 10/2 đã xuất hiện nhiều thông tin khác nhau xung quanh việc từ chức của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

Lúc 23 giờ ngày 10/2 (giờ VN), hãng tin Anh Reuters dẫn lời ông Richard Engel của hãng truyền thông NBC News cho biết hai nguồn tin độc lập đã khẳng định rằng Tổng thống Mubarak tuyên bố từ chức trong đêm 10/2 (giờ địa phương).


Một quan chức Ai Cập cho Reuters biết Tổng thống Mubarak đang thương lượng việc có chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Omar Suleiman hay không. Đài truyền hình nhà nước Ai Cập lúc 23 giờ 40 cũng thông báo ông Mubarak sẽ phát biểu với công chúng từ dinh tổng thống.

Người biểu tình dựng lều cố thủ trên quảng trường Tahrir ở Cairô ngày 10/2. Ảnh: AFP - TTXVN


Hãng tin Pháp AFP lúc 23 giờ 19 (giờ VN) cho biết, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta đã nói với các nghị sĩ Mỹ về “khả năng gần như chắc chắn” rằng Tổng thống Mubarak sẽ từ chức vào cuối ngày 10/2.

Nhưng lúc 23 giờ 25, Reuters lại phát tuyên bố của Thủ tướng Ai Cập Ahmed Shafiq khẳng định Tổng thống Mubarak không từ chức. Trước đó ít phút, Bộ trưởng thông tin Ai Cập Anas el-Fekky cũng đã bác bỏ thông tin Tổng thống Mubarak từ chức và nói đó chỉ là tin đồn của báo chí.

Cũng ngày, chính phủ Ai Cập đã đưa ra lời cảnh báo sẵn sàng sử dụng quân đội để trấn áp cuộc khủng hoảng đang tiếp tục diễn biến phức tạp với tình trạng bạo lực xảy ra tại nhiều nơi, đến nay đã làm ít nhất 300 người thiệt mạng.


Trong khi đó, truyền hình Ai Cập phát hình ảnh, một người trong nhóm quan chức quân đội cấp cao đọc một tuyên bố, được xem là “thông cáo số 1 của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang”, trong đó cam kết quân đội “sẽ đáp ứng tất cả những đòi hỏi chính đáng của người dân Ai Cập”. Đây là dấu hiệu cho thấy quyền lực của Tổng thống Mubarak đã bị sụp đổ.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Ai Cập dẫn lời Phó Tổng thống Suleiman sáng 10/2 cho biết, chính phủ sẽ không khoan nhượng nếu những người biểu tình tiếp tục chiếm cứ quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairô.


Trong khi đó, Ủy ban hiến pháp, vừa được thành lập để tiến hành sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu của phe đối lập, đã nhất trí sửa đổi 6 điều, tập trung vào các điều khoản liên quan đến quyền lực của tổng thống và bầu cử.

Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo về khả năng trấn áp quân sự, các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Mubarak từ chức tiếp tục lan rộng trong ngày 10/2 với sự tham gia của nhiều tầng lớp dân chúng, kể cả các bác sĩ. Những người biểu tình đòi Tổng thống Mubarak từ chức vẫn không chịu rời khỏi quảng trường Tahrir và họ thậm chí còn dựng lều để cố thủ.

Khoảng 1.000 người đã tuần hành tới tòa nhà quốc hội để kêu gọi các nghị sĩ từ chức và khẳng định sẽ biểu tình cho đến khi quốc hội bị giải tán. Trong bối cảnh đó, Muslim Brotherhood (Huynh đệ Hồi giáo), phong trào đối lập hàng đầu tại Ai Cập, đã rút lui để trấn an các nhà quan sát trước lo ngại chính quyền nước này rơi vào tay những người Hồi giáo.


Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ ở Ai Cập, Tuynidi,… đã lan tới Irắc. Hãng tin Pháp AFP cho biết, ngày 10/2, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở thủ đô Bátđa và các thành phố Karbala, Kut, Ramadi và Amara để phản đối tình trạng tham nhũng và thất nghiệp tràn lan. Tại Bátđa, khoảng 500 người, hầu hết là luật sư, đã đổ ra đường kêu gọi chính phủ kiểm tra kỹ cái gọi là “các nhà tù bí mật”, cho phép các nghi can được tư vấn pháp luật, áp dụng những biện pháp mạnh hơn để chống tham nhũng và tạo việc làm. Kadhim al-Zubaidi, người phát ngôn của Hội luật sư Bátđa tuyên bố: “Biểu tình sẽ kéo dài cho đến khi những yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng”.

Tình hình tại nhiều khu vực bên ngoài thủ đô Cairô cũng trở nên căng thẳng. Tại thị trấn Kharga, xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình đã làm ít nhất 5 người thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương. Nhiều tòa nhà của chính quyền địa phương, trong đó có hai đồn cảnh sát, một tòa án và trụ sở của đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền, đã bị đốt cháy.

Tại thị trấn Assiut, cách thủ đô Cairô 350 km về phía Nam, khoảng 4.000 người biểu tình đã chặn một tuyến đường xe lửa và phong tỏa tuyến đường cao tốc chính từ Cairô đi thành phố Aswan. Tại thành phố Port Said, khoảng 3.000 người biểu tình đã đập phá trụ sở chính quyền địa phương và đốt cháy xe ô tô của thị trưởng. Một vài cuộc biểu tình quy mô nhỏ của công nhân ngành dệt may đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cũng nổ ra tại Cairô và khu vực châu thổ sông Nile.

Trước tình hình trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley kêu gọi quân đội Ai Cập tiếp tục "kiềm chế". Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cũng cho rằng chính phủ Ai Cập vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của người biểu tình về cải cách hiến pháp và kêu gọi Cairô có những cải cách thực tế và cụ thể hơn.

Trong một động thái cho thấy rõ sự thay đổi thái độ của Oasinhtơn với chính quyền của Tổng thống Mubarak, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc điện đàm với Quốc vương Arập Xêút Abdullah ngày 9/2 cho rằng, Cairô cần ngay lập tức chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực một cách trật tự và một cuộc chuyển giao như vậy là “có ý nghĩa, bền vững, hợp pháp và phù hợp nguyện vọng của người dân Ai Cập”.

Phản ứng trước những tuyên bố của Mỹ, Ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Abul Gheit cáo buộc Oasinhtơn đang tìm cách áp đặt ý muốn của nước này với Ai Cập thông qua những yêu cầu cải cách ngay lập tức. Ông Gheit khẳng định "sự thay đổi đang diễn ra", thể hiện qua các cuộc đối thoại giữa chính quyền và phe đối lập.

Trong khi đó, Nga tái khẳng định lập trường không can thiệp công việc nội bộ của Ai Cập nhưng cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về những diễn biến hiện nay tại Ai Cập do vai trò quan trọng của quốc gia này trong khu vực.

Thanh Bình (P/v TTXVN tại Ai Cập) - Minh Minh