12:11 06/12/2010

Khủng hoảng nợ công châu Âu: “Khối u” bắt đầu di căn? (Kỳ cuối)

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu kéo theo một loạt hệ quả tất yếu: Tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm lại, đặc biệt khu vực châu Âu

Ngày 21/11 vừa qua, Ailen lại tiếp bước Hy Lạp, trở thành nước thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) không thể tự cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng nợ công. Nhưng chiếc “vòi bạch tuộc nợ công” vẫn chưa dừng lại, tiếp tục hoành hành và dường như việc nó nhấn chìm thêm một số “con thuyền kinh tế” châu Âu chỉ còn là vấn đề thời gian. Bản “danh sách Schindler nợ công” vì thế có thể sẽ tiếp tục dài ra với những cái tên như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, qua đó đặt Eurozone nói riêng và EU nói chung trước những thách thức nghiêm trọng.

Kỳ cuối: Tác động không quá lớn tới Việt Nam


Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu kéo theo một loạt hệ quả tất yếu: Tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm lại, đặc biệt khu vực châu Âu sẽ phải chứng kiến tình hình thất nghiệp và lạm phát tăng cao, đồng euro mất giá, tăng trưởng GDP giảm sút, làm cho thu nhập thực tế của người dân và cầu tiêu dùng với hàng nhập khẩu giảm mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác động của "cơn địa chấn" này đối với Việt Nam là không quá lớn.


Chưa tác động ngay tới xuất khẩu

Bộ Công Thương cho biết, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, hải sản, giày dép, cà phê, đồ gỗ. Khủng hoảng nợ công kéo theo những khó khăn về tài chính không chỉ khiến các nước châu Âu thắt chặt nhập khẩu mà còn gia tăng áp dụng hàng rào thương mại với hàng hóa nhập khẩu. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu dựa trên lợi thế so sánh về giá nên rất dễ bị áp đặt các rào cản thương mại. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cảnh báo: "Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà xuất khẩu trên thị trường EU kết hợp với sự trì trệ của sức mua trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và các biện pháp mà EU đang áp dụng như chống bán phá giá, chống trợ cấp, các yêu cầu cao về tiêu chuẩn, truy nguyên hàng hóa… sẽ là những yếu tố không thuận lợi đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam".

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khủng khoảng nợ châu Âu không tác động quá mạnh tới xuất khẩu của Việt Nam. "Tuy EU là đối tác thương mại lớn của Việt Nam nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU mới chỉ đạt khoảng 18 tỷ USD/năm, chỉ chiếm khoảng hơn 1% giá trị kim ngạch thương mại của EU nên sẽ không chịu tác động trực diện. Hơn nữa, khủng hoảng kinh tế, tiền tệ sẽ kéo theo xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng nhưng chủ yếu là hàng xa xỉ, đắt tiền. Hàng hóa giá rẻ là ưu thế của Việt Nam, do đó cuộc khủng hoảng nợ công thậm chí sẽ giúp hướng người dân châu Âu chuyển từ hàng hóa cao và trung cấp sang hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ vẫn được duy trì ở mức từ 15- 18%/năm". 

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

Tính đến hết năm 2009, 21/27 nước thành viên và nhiều tập đoàn lớn của EU đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 13,3 tỷ USD. Tính đến ngày 20/10/2010, với 1.036 dự án, tổng vốn đăng ký xấp xỉ 16 tỷ USD, EU đang là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh thương mại và đầu tư, EU còn là đối tác quan trọng và là một trong những nhà tài trợ lớn nhất về hỗ trợ phát triển cho Việt Nam. Năm 2010, tổng ODA cam kết của EU cho Việt Nam là 1,05 tỷ USD.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ Quốc gia Lê Xuân Nghĩa đánh giá: "Khủng hoảng nợ công châu Âu có thể tạo ra hai tác động trái chiều hoàn toàn với luồng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu. Những quốc gia có trình độ phát triển tương đương với các nước thuộc EU sẽ hưởng lợi do nguồn vốn FDI dịch chuyển từ châu Âu sang các quốc gia này khi nhà đầu tư muốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp đang có xu hướng tăng cao tại các quốc gia châu Âu. Ngược lại, các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam lại hoàn toàn không được hưởng lợi từ việc dịch chuyển luồng vốn FDI khỏi châu Âu do sự chênh lệch quá lớn về trình độ công nghệ, trong khi luồng vốn từ các nhà đầu tư châu Âu vào các quốc gia này giảm sút do cuộc khủng hoảng nợ".

Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong ngắn hạn Việt Nam chưa phải chịu áp lực quá lớn từ việc suy giảm các dòng vốn từ bên ngoài, kể cả từ EU. Kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà sẽ không phải phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn từ bên ngoài như hiện tại, nếu Việt Nam sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả hơn.

Cảnh giác với rủi ro tài chính

Khủng hoảng nợ công châu Âu khiến tăng thêm nguy cơ rủi ro tài chính cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư trên thế giới đang tìm vàng như một nơi trú ẩn an toàn trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ngày một lan rộng, làm cho giá vàng trong thời gian qua tăng mạnh, lên mức trên 1.400 USD/ounce. Điều này phản ánh nhu cầu về dự trữ an toàn hơn so với tiền giấy, sau khi nhiều cá nhân và tổ chức ở châu Âu, châu Á đua nhau mua vàng, bạch kim và bạc. Điều này sẽ tác động xấu đến đầu tư toàn thế giới và Việt Nam bởi một khi vàng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của các tổ chức thì cũng đồng nghĩa với việc các danh mục khác như cổ phiếu, trái phiếu sẽ bị giảm mạnh. Như vậy, luồng vốn đầu tư gián tiếp càng trở nên hạn chế.

Khủng hoảng nợ công châu Âu cũng tạo ra những biến động khó lường về tỷ giá. Đồng USD và đặc biệt là đồng yên sẽ tiếp tục đà tăng giá mạnh so với đồng euro do tính an toàn từ phía các đồng tiền này. Từ khi cuộc khủng hoảng có dấu hiệu nghiêm trọng, đồng euro mất giá tương đối so với USD. Sang tháng 6, tỷ giá USD/euro chỉ còn 1/1,19, rất thấp so với mức xấp xỉ 1/1,4 của đầu tháng 3, do đó sẽ tạo ra những rủi ro nhất định trong việc vay, trả ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như cho hoạt động ngoại hối của các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh trong khi thâm hụt thương mại của Việt Nam đang gia tăng, cộng với thời điểm đáo hạn của các khoản vay tín dụng ngoại tệ, sẽ gia tăng sức ép tăng rủi ro hối đoái và biến động tỷ giá vào các tháng cuối năm 2010.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để giảm thiểu những tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư..., Việt Nam cần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và của nền kinh tế. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần rút ra những bài học về kiểm soát nợ công thông qua việc nâng cao hiệu quả đầu tư, cắt giảm chi tiêu, giảm bội chi ngân sách...

Thu Hường