05:22 13/05/2015

Khủng hoảng nhập cư châu Âu (Tiếp theo và hết)

Sau vụ chìm tàu thảm khốc trên biển Địa Trung Hải, EU đã nhanh chóng thông qua một kế hoạch 10 điểm rộng lớn nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư và tị nạn dọc bờ biển Địa Trung Hải.

Sau vụ chìm tàu thảm khốc trên biển Địa Trung Hải hồi tháng 4/2015, Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng thông qua một kế hoạch 10 điểm rộng lớn nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư và tị nạn dọc bờ biển Địa Trung Hải.

EU có tìm được lối thoát cho khủng hoảng?


Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích rằng mục tiêu của kế hoạch mới nhắm vào những kẻ buôn người mà không nhận ra vấn đề rộng và mang tính cốt lõi lớn hơn. Đó là sự hỗn loạn tại các quốc gia Trung Đông và châu Phi đã đẩy người dân vào thế buộc phải ra đi. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chỉ ra rằng kế hoạch này sẽ đòi hỏi một sự đóng góp tài chính của tất cả 28 nước thành viên EU. Sự tranh cãi ở các nước thành viên về chủ trương này chắc chắn sẽ làm trì hoãn việc triển khai bất kỳ giải pháp mới nào để giải quyết khủng hoảng.

Người tị nạn vượt biển Địa Trung Hải được lực lượng chức năng trợ giúp.


Đồng thời, Nghị viện châu Âu cũng bỏ phiếu nhất trí thiết lập một khung làm việc cho hệ thống tị nạn chung của châu Âu được thông qua hồi tháng 6/2013. Tuy nhiên, việc triển khai và thực thi ở cả 28 quốc gia thành viên của khối là một thách thức và nhiều chính trị gia cho rằng khung làm việc trên thiếu minh bạch và vẫn trao cho các quốc gia thành viên quá nhiều quyền tự do hành động.

“Nhập cư là một vấn đề động tới quyền chủ quyền. Đó thuộc về bản sắc quốc gia, sự cạnh tranh về kinh tế, và an ninh. Do đó, không ngạc nhiên là các chính phủ không sẵn sàng nhường quá nhiều lãnh địa trên lĩnh vực này” cho EU, chuyên gia Conley thuộc CSIS nói.
Trong khi đa số các nước thành viên EU cơ bản dễ dàng tiếp nhận các đòi hỏi phải mở rộng hoạt động tuần tra bờ biển trên Địa Trung Hải và thông qua việc chia sẻ các công cụ thông tin và công nghệ, nhưng khi động tới các chính sách bảo vệ quyền của người tị nạn và nhập cư, các nước lại không có được sự đồng thuận cao.

Các chuyên gia cho rằng bất kỳ động thái cải cách hoạt động di cư nào sẽ rất khó khăn với rào cản là các đảng phái dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu. Chưa kể tới việc dư luận châu Âu hiện cũng rất lo ngại về những mầm mống và mối đe dọa từ các phần tử thánh chiến châu Âu trở về từ Trung Đông, Bắc Phi.

Ngay sau thảm họa chìm thuyền của người nhập cư trên biển Địa Trung Hải khiến 800 người thiệt mạng, ngày 23/4 ở Brussels, EU đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh bất thường về nhập cư, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU đã nhất trí tăng gấp ba lần các phương tiện tìm kiếm, cứu nạn trên biển Địa Trung Hải. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho biết các quốc gia thành viên tuyên bố sẽ tăng mạnh mức đóng góp cho hoạt động cứu nạn người nhập cư (Triton). Ngoài tàu thuyền, các nước cũng sẽ điều thêm máy bay, trực thăng cùng nhân sự tuần tra trên Địa Trung Hải.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, 28 quốc gia EU sẽ nghiên cứu các cách thức để thu giữ và phá hủy các con tàu mà những kẻ buôn người sử dụng để chở người tị nạn vượt biển, tăng cường nỗ lực ngăn cản những người muốn nhập cư trốn sang Libya, đơn giản hóa thủ tục xem xét xin tị nạn và gửi trả về nước những người không được xét quy chế tị nạn. Các biện pháp mà EU công bố tại hội nghị trên sẽ giúp đối phó với làn sóng người nhập cư trốn chạy các cuộc xung đột và nghèo đói tại châu Phi, đặc biệt sau thảm họa chìm tàu vừa xảy ra hồi cuối tuần trước tại vùng biển Libya khiến hơn 800 người thiệt mạng. 

Tòa thánh Vatican ngày 24/4 đã phản ứng một cách gay gắt với các giải pháp mà EU đưa ra trong phiên họp khẩn của tổ chức này hôm 23/4 về việc giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư, cho đó là "bạo lực" và "không thể giải quyết vấn đề".

Phát biểu trên Đài phát thanh Vatican, Tổng trưởng Hội đồng Giáo hoàng về người nhập cư, Hồng y Antonio Maria Veglio, cho rằng việc EU tăng gấp ba ngân sách dành cho chương trình tìm kiếm cứu nạn người nhập cư trên biển Triton là "không thể giải quyết trọn vẹn được vấn đề". Hồng y Veglio cho rằng giải pháp ném bom các tàu thuyền neo đậu tại các bến cảng ở Libya mà EU cho là cần thiết để ngăn chặn các đối tượng buôn người sử dụng nhằm đưa người nhập cư trái phép vượt biển sang châu Âu, là một "hành động chiến tranh".



Trong khi đó, Tổng thống Pháp François Hollande cho biết Paris và London cũng yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cho phép can thiệp trên lãnh thổ Libya nhằm phá hủy các phương tiện của những kẻ buôn người, bởi châu Âu chỉ có thể hành động trong khuôn khổ nghị quyết của HĐBA.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Copenhagen sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 28/4 cho rằng Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU về khủng hoảng tị nạn ở Địa Trung Hải hồi tuần trước chỉ là sự khởi đầu và chưa phải là giải pháp tổng thể. Theo bà Merkel, bộ trưởng nội vụ các nước EU sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này, trong đó có việc đăng ký theo chuẩn chung đối với người tị nạn đến các nước EU. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết EU sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh với châu Phi tại Malta để thảo luận về làn sóng người tị nạn tìm cách rời khỏi lục địa này.

EU sẽ phải nhận hậu quả gì?

Việc thiếu một giải pháp đồng bộ để giải bài toán người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi sẽ khiến từng nước thành viên EU sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tự giải quyết vấn đề dưới góc tiếp cận an ninh quốc gia hơn là sự bảo vệ quốc tế. “Giải pháp chính trị của các nước đẩy người nhập cư trở về quê hương hay bỏ tù họ làm xói mòn những giá trị mà EU thúc đẩy, như bảo vệ mạng sống con người và quyền được tị nạn”, chuyên gia Conley nhấn mạnh.

Cùng với việc các giá trị cơ bản của EU bị hủy hoại, bà Conley lo ngại rằng làn sóng người nhập cư cũng sẽ thôi thúc nhiều nước thành viên hoãn gia nhập khối Schengen, như Đan Mạch và Pháp từng làm năm 2011. Bà nói: “Tôi  e ngại rằng nếu các chính sách về vấn đề nhập cư tiếp tục không thống nhất, chúng ta sẽ thấy các nước sẽ thiết lập lại đường biên giới nội bộ của mình, qua đó phá hỏng một trụ cột của sự kết nối châu Âu, đó là sự đi lại tự do của công dân châu Âu”.


Thái Nguyễn