05:06 13/05/2015

Khủng hoảng nhập cư châu Âu (Tiếp theo)

Các trung tâm “giam giữ” (đúng theo nghĩa của từ này) người nhập cư ở khắp vành đai Nam Âu, tại Hy Lạp, Italy, Malta và Tây Ban Nha, trong nhiều năm qua bị cáo buộc đã để xảy ra tình trạng lạm dụng và thờ ơ đối với người nhập cư.

Các trung tâm “giam giữ” (đúng theo nghĩa của từ này) người nhập cư ở khắp vành đai Nam Âu, tại Hy Lạp, Italy, Malta và Tây Ban Nha, trong nhiều năm qua bị cáo buộc đã để xảy ra tình trạng lạm dụng và thờ ơ đối với người nhập cư. 

Nhiều nhóm nhân quyền cho rằng một số trung tâm này đã vi phạm Điều III của Công ước Nhân quyền châu Âu, theo đó cấm việc đối xử tàn bạo hoặc xúc phạm tới người tị nạn.

Tình cảnh của người nhập cư châu Âu

“Chúng tôi nghĩ việc di cư là một vấn đề thuộc về an ninh nhân loại: cần bảo vệ người dân và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho họ. Hiện nay, chúng ta đã nhận thức được rõ rằng nhập cư là một vấn đề thuộc về an ninh quốc gia và nguy cơ đối với việc đảm bảo an ninh cho hoạt động nhập cư chính là việc (các chính phủ) mạo hiểm hợp pháp hóa các biện pháp đối phó khác thường”, Khalid Koser, Phó Giám đốc Trung tâm vì chính sách an ninh tại Geneva, nói.

Rất nhiều người nhập cư bị đắm thuyền trước khi đến được châu Âu.


Như tại Italy, người nhập cư phải đối mặt với các án phạt và bị trục xuất theo điều luật nhập cư Bossi - Finni, theo đó, quy định người nhập cư phải có hợp đồng lao động trước khi nhập cảnh vào Italy. Đạo luật thông qua hồi năm 2002 này đặt các đối tượng nhập cư bất hợp pháp hoặc giúp đỡ người nhập cư bất hợp pháp ngoài vòng pháp luật, họ sẽ bị trừng phạt bằng tiền hoặc phải ngồi tù. Nhưng bất chấp quy định này, rất nhiều người cho rằng đạo luật đã không có nhiều tác dụng trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư vào Italy trong những năm gần đây.

Tình hình tại Hy Lạp còn đáng ngại hơn. Quốc gia này đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công và đang loay hoay trong vòng xoáy của các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Những cơ sở đón tiếp người tị nạn tại Hy Lạp bị quá tải, thiếu quạt, nước sạch, tình trạng vệ sinh dịch tễ không đủ đảm bảo sức khỏe cho người nhập cư trong khi người nhập cư lại bị cảnh sát ngược đãi và quấy rối. Các nhóm cánh hữu cực đoan như Golden Dawn với chiến dịch chống lại người nhập cư đã làm tồi tệ thêm tình hình bài ngoại tại Hy Lạp. Tỷ lệ thất nghiệp tăng chóng mặt, việc cắt giảm đáng kể chi tiêu công đồng nghĩa với việc có ít hơn cơ hội kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội cho người nhập cư và tị nạn.

Ngân sách cho vấn đề nhập cư tại nhiều nước vùng Địa Trung Hải vẫn ở mức rất khiêm tốn, do tất cả các nước EU đều cắt giảm chi tiêu công sau khủng hoảng kinh tế. Số liệu của Frontex cho thấy, ngân sách hàng năm để giải quyết các vấn đề liên quan tới nhập cư của các nước này đã giảm từ 118 triệu euro xuống còn 89 triệu euro trong năm 2014. Mặc dù Ủy ban châu Âu mới đây đã cam kết sẽ viện trợ bổ sung 13,7 triệu euro cho Italy để triển khai hoạt động cứu nạn người nhập cư, nhưng nhiều nhóm nhân quyền cho rằng số tiền như trên là không bao giờ đủ.

Trái lại, tình hình người nhập cư tại các nước Bắc Âu giàu có có phần khả quan hơn khi chính phủ các nước này đang quản lý tương đối tốt các trung tâm dành cho người tị nạn (với việc người nhập cư thường được cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm) và thực thi các chính sách tái định cư cởi mở. Mặc dù là điểm đến mơ ước đối với đa số người nhập cư với mong muốn đến làm việc hoặc nhận được sự bảo trợ quốc tế nhưng những nước này lại là nơi mà người nhập cư khó tiếp cận.

Phản ứng của EU

Trong bối cảnh chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, lợi ích quốc gia đã buộc các nước châu Âu phải tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề kinh tế then chốt hơn là đầu tư cho hoạt động di cư và tị nạn. Điều này được thể hiện vào năm 2011, khi Pháp thiết lập lại việc kiểm soát biên giới ở khu vực đi lại tự do Schengen nhằm đối phó với làn sóng hàng nghìn người tị nạn Tunisia và Libya đổ vào từ nước láng giềng Italy.

Theo một tuyên bố dự thảo mật mà tờ "The Guardian" (Anh) có được, tại cuộc họp ở thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 23/4 bàn về khủng hoảng nhập cư, phần lớn những người đã sống sót sau một hành trình vượt biển đầy rủi ro để đến được Italy sẽ bị trả về như là những người nhập cư bất hợp pháp theo chương trình hồi hương nhanh mới, dưới sự điều phối của Cơ quan biên giới EU (Frontex). Văn bản này cũng cho thấy EU không có ý định mở rộng các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ trên biển Địa Trung Hải để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư bất chấp sức ép ngày càng tăng về vấn đề này. Tuyên bố dự thảo chỉ xác nhận việc các bộ trưởng nội vụ và ngoại giao EU trong cuộc họp đầu tuần này quyết định tăng gấp đôi ngân sách để củng cố các chiến dịch tuần tra và giám sát trên biển trong 2 năm 2015 và 2016, với phạm vi tuần tra chỉ 30 hải lý tính từ bờ biển Italy. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ nhất trí rằng cần chuẩn bị lập tức thực hiện các nỗ lực phát hiện, bắt giữ và phá hủy tàu trước khi chúng được những kẻ buôn lậu sử dụng để vận chuyển người nhập cư trái phép vào châu Âu. Chiến dịch quân sự chung của EU sẽ được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế là việc một số nước EU thông qua các chính sách “pháo đài” nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư đòi hỏi những chi phí triển khai rất lớn. Tại Hy Lạp, việc thực hiện các chiến dịch kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, như chương trình Aspida, đòi hỏi một sự cải tổ chưa từng có đối với hệ thống thực thi chính sách tị nạn vốn không thực sự hữu hiệu của nước này. Còn ở Italy, chương trình cứu trợ quy mô lớn “Biển của chúng ta” đã bị hủy từng phần hồi tháng 10/2014 và chỉ được thay thế bằng chương trình Triton, với nguồn ngân sách bằng 1/3 chương trình trước đó.

Sự phản ứng hờ hững của EU đối với xu hướng bài ngoại ngày càng gia tăng ở châu Âu cũng đã gây nên những khó khăn mà nhiều quốc gia Phương Tây đang phải đối mặt, hệ quả là sự hội nhập của các cộng đồng thiểu số vào xã hội trở nên ngày càng khó khăn hơn. Rất nhiều người nhập cư đến từ các nước Hồi giáo và mối quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo nhập cư và phần còn lại của xã hội là không mấy tốt đẹp.

Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng làm thay đổi bản đồ dân số ở châu lục già, khi công dân của những nước bị khủng hoảng đang di cư lên phía Bắc Âu để tìm việc. Và trong khi vài tháng qua, vấn đề di cư nội khối của EU đã là một mối lo đối với vấn đề an sinh xã hội thì những người đến từ Trung Đông và Bắc Phi lại tạo ra một cuộc tranh cãi gay gắt hơn trong dư luận và chính giới bởi sự chia rẽ và hội nhập cộng đồng mà những người này đặt ra cho xã hội Phương Tây.

(Còn tiếp)

Thái Nguyễn