06:21 17/06/2015

Khủng hoảng di cư có nguy cơ lan rộng tại Italy

Cuộc khủng hoảng liên quan đến người di cư qua biển Địa Trung Hải đang có nguy cơ lan rộng tại Italy, đẩy nước này vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan và có thể dẫn đến nguy cơ căng thẳng với các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc khủng hoảng liên quan đến người di cư qua biển Địa Trung Hải đang có nguy cơ lan rộng tại Italy, đẩy nước này vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan và có thể dẫn đến nguy cơ căng thẳng với các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Hôm 13/6, hàng trăm người di cư, chủ yếu là người Bắc Phi, đã rất tức giận khi bị cảnh sát Pháp chặn lại ở biên giới Italy-Pháp, không cho họ nhập cảnh. Tình trạng này đã kéo dài hai ngày nay ở Ventimiglia, thị trấn vùng biên với Pháp của Italy. Việc các nước EU có chung đường biên giới với Italy tạm thời không tiếp nhận người di cư Bắc Phi đã dẫn đến việc những người muốn sang các nước đó xin định cư theo quy chế tị nạn bị mắc kẹt tại nhiều nơi ở Italy. Chính quyền Rome đã phải dựng lều để họ tạm trú. Trong khi đó, ở nhà ga trung tâm của Milan, hàng trăm người di cư khác, phần đông đến từ vùng Sừng châu Phi, cũng vạ vật chờ được lên tàu để rời Italy. Các nhân viên cứu trợ và Hội chữ thập đỏ đã hỗ trợ họ về thức ăn và nước uống.

Cảnh sát Italy làm nhiệm vụ trong cuộc biểu tình của người nhập cư tại thị trấn Ventimiglia giáp với Pháp ngày 13/6. Ảnh: AFP/TTXVN



Việc gần 1.000 người di cư bị tắc ở hai nhà ga lớn và ở biên giới với Pháp đã gây chia rẽ sâu sắc trong chính giới Italy. Các đảng phái đối lập đã chỉ trích chính phủ chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề người di cư và không gây được ảnh hưởng trong khối EU để buộc các nước trong khối phải "chia sẻ gánh nặng" người di cư. Chủ tịch vùng Veneto Luca Zaia, một thành viên của đảng Liên minh Phương Bắc có xu hướng bài ngoại và chống người nhập cư, đã yêu cầu cảnh sát không cho phép người di cư được đến gần các thành phố đông khách du lịch, với lý do họ có thể "ảnh hưởng đến ngành du lịch" ở nơi hấp dẫn du khách nhất Italy, với 63 triệu lượt khách mỗi năm, đem về doanh thu 17 tỷ euro. Đáp lại những lời công kích, Thủ tướng Matteo Renzi nhấn mạnh rằng, việc "gieo rắc nỗi sợ hãi" đối với dân chúng về tình trạng khủng hoảng người di cư ở Italy là vô ích.

Ngày 24/6 tới đây, Thủ tướng Renzi sẽ có cuộc gặp người đồng cấp phía Anh, David Cameron, và sau đó ba ngày, gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande, cùng tại Triển lãm thế giới EXPO Milan. Một trong những chủ đề chính của các cuộc gặp này là vấn đề khủng hoảng người di cư. Theo báo chí Italy, Thủ tướng Renzi đang chịu áp lực rất lớn từ các đảng phái trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng, và nếu càng để lâu, thì càng bất lợi cho uy tín của ông.

Kể từ đầu năm đến nay, Italy đã cứu và đưa lên bờ hơn 50.000 người di cư qua biển Địa Trung Hải. Một phần lớn trong số này được đưa vào các trại tiếp nhận của Italy. Một số khác xin tị nạn chính trị ở nhiều nước EU khác và chờ đợi được chuyển đi. Tuy nhiên, Italy hối thúc EU và các nước khác phải có trách nhiệm trong việc chia sẻ người di cư với họ. Hiện tại, các quốc gia trong khối EU không thống nhất về vấn đề phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Trong khi các bên chưa thống nhất được với nhau, các nước có chung đường biên với Italy trong khối Hiệp ước Schengen đi lại tự do trong EU đã đóng cửa biên giới, chờ quyết định của chính phủ nước họ.

Theo kế hoạch, EC muốn phân bổ 40.000 người di cư Bắc Phi đang tập trung ở Italy và Hy Lạp cho các nước EU, với số lượng tính trên cơ sở số dân và tổng thu nhập quốc dân của từng nước thành viên, cũng như tỷ lệ thất nghiệp và số lượng người nhập cư đã được tiếp nhận. Tuy nhiên, các nước trong khối EU vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận quyết định này. Điều này càng làm cho vấn đề khủng hoảng di cư ở Italy thêm căng thẳng hơn. Theo dự kiến, các cuộc họp của EU trong tuần tới sẽ xoay quanh vấn đề di cư, trong đó có khả năng bàn tới việc cho hồi hương bắt buộc và ngay tức khắc một số lớn những người di cư không được chấp thuận đơn xin tị nạn.
Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Italy)