10:15 03/10/2012

Khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 có thể động đất 6,0 độ richter

Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy cấp II Trà My. Động đất xảy ra tại khu vực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng hồ và đập thủy điện. Hiện tượng tích nước gây nên động đất kích thích sẽ xảy ra...

Đây là kết quả nghiên cứu của Đề án "Đánh giá tình hình động đất Thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại" do GS.TS Cao Đình Triều, Hội Khoa học kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam thuộc Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thực hiện, với sự tham gia của 7 nhà khoa học hàng đầu cả nước trong các lĩnh vực địa chất, thủy điện, động lực học...

Thuộc chương trình nghiên cứu độc lập thực hiện từ tháng 4/2012, với mục tiêu nghiên cứu đánh giá tình hình động đất khu vực công trình Thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại khi có động đất mạnh xảy ra.

Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy cấp II Trà My. Ảnh Internet.


Kết quả trên được VUSTA công bố ngày 3/10, trước đông đảo các nhà khoa học hàng đầu cả nước.

Theo đó, công trình Thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy cấp II Trà My. Động đất xảy ra tại khu vực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng hồ và đập thủy điện. Hiện tượng tích nước gây nên động đất kích thích sẽ xảy ra dọc theo đới đứt gãy cấp II Trà My và một số đứt gãy cấp III trong phạm vi lòng hồ và vùng lân cận.

GS.TS Cao Đình Triều nhận định: Động đất cực đại xảy ra trong khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 và các vùng lân cận có thể đạt cấp độ 6,0 độ richter, độ sâu chấn tiêu cao nhất là 15km. Do đới đứt gãy Trà My, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 đang hoạt động, nên khi tích nước hồ chứa thì động đất kích thích xảy ra trong khu vực hoạt động của đới đứt gãy này là chủ yếu. Mức độ mạnh của động đất được dự báo có thể xảy ra tại khu vực lòng hồ là 5,9 độ richter, tại khu vực đập chính và vùng hạ lưu là 6,1 độ richter.

Bên cạnh đó, địa chất tại khu vực này chủ yếu là đá granit sáng màu bị cà nát, dập vỡ mạnh dọc đới đứt gãy tạo nên nguy cơ về tai biến địa chất và trượt lở đất rất cao, có thể gây ảnh hưởng tới các công trình dân sinh và hoạt động an toàn của đập cũng như gây lấp lòng hồ, chặn dòng chảy...mỗi khi động đất xảy ra.

Các nhà khoa học thực hiện đề tài đã kiến nghị Chính phủ và các nhà đầu tư xây dựng công trình Thủy điện Sông Tranh 2 một số nội dung quan trọng như: Tiến hành nghiên cứu sâu động đất kích thích tại Thủy điện Sông Tranh 2, lắp đặt mạng lưới quan trắc địa chất để có thể ghi nhận được đầy đủ các trận động đất có cấp độ từ 1,0 độ richter trở lên; hạn chế tối đa sự biến động nhanh của mực nước hồ chứa vì điều này đã được chứng minh gây nên biến động địa chất và có thể xuất hiện động đất; nghiên cứu và đánh giá các tai biến địa chất khác như nứt, lún, trượt lở đất; tiếp tục theo dõi thân đập để kiểm tra về độ thấm nước để có cách xử lý nhanh chóng, hiệu quả.

Đặc biệt trong mùa mưa lũ năm nay, phải theo dõi, quan sát chặt chẽ mực nước hồ để đảm bảo cho người dân và vùng hạ lưu. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư đang sinh sống quanh khu vực lòng hồ thủy điện về động đất và các tai biến địa chất khác, để họ có biện pháp ứng phó thích hợp với loại hình tai biến nhân sinh này.

Tại cuộc họp, một số ý kiến của nhà khoa học cho rằng bản đánh giá trên chưa đưa được ra mức độ cũng như giới hạn an toàn của công trình Thủy điện Sông Tranh 2, mà chỉ làm rõ được vấn đề động đất kích thích tại khu vực này. Thêm vào đó, đánh giá chỉ nhắc đến đới đứt gãy cấp II Trà My mà không chú ý đến những đới đứt gãy gần đó, cũng có ảnh hưởng liên đới như đới Hưng Nhượng- Tà Vi, đới Trà Bồng.



TTXVN/ Tin Tức