08:07 16/08/2012

Khu tái định cư 3 tỷ đồng bỏ hoang

Đến giữa tháng 8/2012, gần 2 năm kể từ ngày bàn giao mặt bằng khu tái định cư Làng Bung giữa chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi với UBND xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, nhưng vẫn không có một hộ nào trong số 50 hộ được xét duyệt vào khu tái định cư để sinh sống

Đến giữa tháng 8/2012, gần 2 năm kể từ ngày bàn giao mặt bằng khu tái định cư Làng Bung giữa chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi với UBND xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng vẫn không có một hộ nào trong số 50 hộ được xét duyệt vào khu tái định cư này để sinh sống, trong khi ở nơi cũ dưới chân núi Rà Gầm, hàng ngày họ vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.


 

Một góc khu TĐC Làng Bung, xã Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi).

 

Trên khu đất tái định cư được san ủi bằng phẳng diện tích 28.000 m2, gần 50 "ngôi nhà" được xây dựng đơn sơ, vách bằng phên nứa, mái lợp prôximăng, hầu hết đã rách nát, hư hỏng. Hệ thống điện đã xây lắp trụ và kéo dây đến tận nơi, nhưng chưa được kéo điện vào từng nhà. Dọc hai bên dãy nhà là đường giao thông rộng rãi, có 5 bể nước công cộng và một trường mẫu giáo được xây kiên cố. Thế nhưng, tất cả đều bỏ hoang, không có một hộ nào tại xóm Cap La dưới chân núi Rà Gầm đến định cư.


Khu tái định cư Làng Bung được xây dựng cách khu dân cư bản địa tại xóm Cap La dưới chân núi Rà Gầm khoảng 800 m - chỉ cách một cánh đồng lúa. Tại xóm này có 65 hộ dân đang sinh sống, trong đó có 50 hộ dân trong diện di dời đến khu tái định cư này và 15 hộ khác cũng đang xin chính quyền địa phương để ra định cư. Ông Đinh Văn Buôi, xóm Cap La, xã Sơn Ba, là người dân sinh sống lâu năm trong xóm cho biết: Từ mùa mưa năm 2008, bà con phát hiện trên ngọn núi Rà Gầm có một vệt nứt lớn chạy dài cả ngọn núi (khoảng 1.000 m). Vết nứt rất rộng, đã có một con trâu bị sảy chân chết tại vết nứt này. Cứ vào mùa mưa, bà con sinh sống dưới chân núi rất lo sợ nên kiến nghị với chính quyền địa phương cho xây dựng khu tái định cư tại Làng Bung. Khi Nhà nước có chủ trương làm khu tái định cư, ai cũng nhất trí và đăng ký được đến nơi ở mới, tránh sạt lở núi, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.


Ông Đỗ Kỳ Ân, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi), chủ đầu tư cho biết: Mục tiêu dự án là bố trí tái định cư ổn định lâu dài, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho 50 hộ dân. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng ban đầu gần 2,7 tỷ đồng, nhưng khi hoàn thành dự án, tổng giá trị lên đến gần 3 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào đầu tháng 2/2010, vì nguồn vốn ban đầu được cấp 1 tỷ đồng nên Chi cục ưu tiên giải quyết san lấp mặt bằng, đường ống nước, bể chứa nước tự chảy, đường giao thông nội khu. Năm 2011, dự án được cấp vốn 2 lần với tổng số 1 tỷ đồng, thực hiện xây dựng lớp học mẫu giáo, rãnh thoát nước, hệ thống điện (trụ, đường dây, trạm biến áp). Hệ thống điện xây lắp xong, nhưng do vướng nhiều thủ tục trong việc thu hồi 32 m2 đất, chờ các thủ tục đấu nối, thử tải điện qua biến áp... mất 6 tháng vẫn chưa có điện! Ngày 22/10/2011, Chi cục chính thức bàn giao khu tái định cư cho UBND xã Sơn Ba quản lý, đến tháng 4/2012 mới thanh toán xong cho đơn vị thi công. Ông Ân cho biết thêm: Trước mùa mưa lũ năm 2010, khu tái định cư này có gần 30 gia đình nằm trong diện di dời đã dựng được nhà tại khu tái định cư, sau đó hơn 20 hộ cũng ra nhận đất để dựng nhà, mỗi ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để di dời. Tuy nhiên, họ chỉ ở những ngày mưa to do sợ sạt lở núi, sau đó lại quay về nơi cũ cho đến giờ.


Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Kỳ Ân cho rằng: Dân không đến ở vì nhiều lý do, chủ yếu là không có điện, không có nước. Khi bàn giao công trình cho xã, Chi cục đã thực hiện đầy đủ, bảo đảm cung cấp điện, nước đến khu tái định cư, nhưng đường dẫn nước từ 2 bể lọc về đây đã bị dân địa phương phá hỏng, kể cả các vòi nước tại bể ở khu tái định cư, còn việc kéo điện đến từng hộ gia đình, Điện lực huyện Sơn Hà trực tiếp ký hợp đồng và nối điện vào từng gia đình. Mới đây làm việc với huyện Sơn Hà, huyện đề nghị xây thêm một đoạn đường bê tông và hệ thống thoát nước cho khu tái định cư. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể sửa chữa lại hệ thống nước sinh hoạt và đóng điện, còn các hạng mục bổ sung thì huyện phải đầu tư, vì dự án không có nguồn vốn bổ sung các hạng mục đó. Việc vận động người dân ra ở khu tái định cư là việc của chính quyền địa phương.


Theo quan sát của chúng tôi thì rất khó để người dân đến ở khu tái định cư trong thời gian trước mùa mưa năm nay vì sau 2 năm làm nhà tại đây, do không có người ở nên hầu hết các ngôi nhà đã bị hư hỏng. Ông Đinh Thanh Trất, cán bộ địa chính xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà phản ánh: Khi giải phóng mặt bằng, cấp trên hứa với dân là sẽ đền bù hoa màu, cây cối, đất đai cho những hộ có đất bị san ủi, nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù. Ông Đinh Văn Buôi là 1 trong 65 hộ dân sinh sống lâu năm ở xóm Cap La phản ánh: Khi Nhà nước san ủi mặt bằng cho dân ra làm nhà tạm để ở thì được, nhưng làm nhà để ở lâu dài thì người dân có đất không đồng ý, gây mất đoàn kết xóm làng. Vì vậy, cấp trên phải đền bù đất đai, hoa màu cho những hộ có đất bị thu hồi làm khu tái định cư. Còn ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà đề nghị cấp trên hỗ trợ vốn để dân sửa chữa lại nhà, bên cạnh đó đề nghị kéo điện đến từng hộ dân trong khu tái định cư; sửa chữa hệ thống nước sinh hoạt để dân có đủ nước sinh hoạt hàng ngày; nhanh chóng đền bù cây cối, đất đai cho các hộ nhường đất để xây dựng khu tái định cư.


Để người dân vùng sạt lở có nơi ở ổn định lâu dài, Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cùng chính quyền địa phương huyện Sơn Hà, xã Sơn Ba cần phối hợp chặt chẽ để sớm hoàn thiện dự án tái định cư Làng Bung; giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân và chính quyền địa phương xã Sơn Ba đã nêu trên. UBND xã Sơn Ba cũng cần có biện pháp hữu hiệu, nhất là vận động nhân dân ở xóm Cap La đang sinh sống dưới chân núi Rà Gầm, đến định cư lâu dài tại khu tái định cư Làng Bung, không để tình trạng Nhà nước đầu tư tiền tỷ mà người dân vẫn sống trong lo sợ trước nguy cơ sạt lở, nứt núi khi mùa lũ lụt đang đến gần.

Bài và ảnh: Nguyễn Đăng Lâm