06:13 07/06/2012

Không thể đắp của cải vật chất lên người con là giáo dục được con

Nhiều phụ huynh làm rất tốt công tác xã hội, thậm chí là lãnh đạo của các đơn vị giáo dục đào tạo, nhưng lại không thể dạy dỗ con em họ.

Tôi là một giáo viên cấp 3, cũng đã làm công tác chủ nhiệm và đứng lớp giảng dạy. Trong quá trình đó, tôi phải luôn giải quyết những vấn đề liên quan tới công tác giáo dục học sinh, nhất là học sinh cá biệt. Vấn đề đặt ra ở đây là, trong giai đoạn hiện nay, ngày càng có nhiều trường hợp học sinh cá biệt không nhận được sự giáo dục của gia đình, luôn chơi bời lêu lổng, bỏ bê công việc học tập.


Mặc dù thầy cô giáo chủ nhiệm và nhà trường đã hết sức hết lòng giáo dục bằng mọi cách, nhưng những cố gắng đó vẫn chưa đủ mà điều kiện lớn hơn cả vẫn là thuộc về phía gia đình trong sự kết hợp giữa nhà trường gia đình và xã hội.


Điều trăn trở hiện nay là các bậc phụ huynh có một số làm cán bộ nhà nước, làm công tác xã hội hay chức danh này chức danh kia nhưng rồi chính sự thành công và địa vị xã hội của cha mẹ lại không có tác động tốt trở lại đối với nhân cách của con em mình.


Chính vì vậy, nhiều bậc phụ huynh không thể dạy bảo được con mình, đành “ dắt tay” con mình đến để “ phó mặc” cho nhà trường.


Tôi có được tiếp xúc với một vị Chủ tịch Hội Phụ nữ ở một huyện nọ. Là một người cán bộ đứng đầu một tổ chức của những người mẹ, người chị… nhưng rồi, phụ huynh ấy lại không tạo được cho con mình một mái ấm gia đình vì bà đã bỏ chồng từ lâu và con bà không có được một bữa cơm gia đình ấm cúng. Để rồi, khi tôi ra đề văn về cảm nhận của em về bữa cơm gia đình thì học sinh đó thành thật viết rằng em chưa bao giờ có được một bữa cơm như thế.


Rồi có một vị phụ huynh khi xưa là một hiệu trưởng “khét tiếng” là nghiêm khắc với học trò, giờ bà là cán bộ Huyện ủy và ở một vị trí khá quan trọng nhưng rồi con trai mình học lớp 10 đã phải lưu ban rồi chơi bời, bỏ nhà đi hàng tuần làm cho giáo viên chủ nhiệm phải đau đầu. Khi đã hết cách, vị phụ huynh đó chỉ nói với cô giáo chủ nhiệm rằng: Tôi chịu thôi, tất cả nhờ nhà trường.


Tôi cũng biết đến một vị nay là giám đốc kho bạc ở một huyện nọ, có một “ quý tử” học lớp 11. Nhưng rồi từ sự lơi lỏng của gia đình, em học sinh đó đã đàn đúm, đua xe rồi gây tai nạn và học hành cứ yếu dần…Còn nhiều trường hợp như trên để chúng ta nhận thấy rằng đây là một vấn đề nan giải trong công tác giáo dục con em và học sinh trong giai đoạn hiện nay.


Vẫn biết rằng, cha mẹ nào cũng thương con, mong con khôn lớn trưởng thành song vấn đề cần thiết nhất ở mỗi vị phụ huynh là cần có cách giáo dục con em mình như thế nào để truyền vào con mình động lực để tự đứng lên trong cuộc sống chứ không phải đắp lên người con đủ của cải vật chất là có thể giáo dục được con. Các bậc phụ huynh dù ở địa vị nào, dù công tác xã hội bận đến mấy cũng nên dành cho con em mình khoảng thời gian nhất định để quan tâm, giáo dục và chăm sóc. Khi ấy, phụ huynh sẽ có điều kiện để nắm bắt được tâm lý của con và có dịp uốn nắn những sai lệch mà con mình mắc phải. Cần thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm nhưng cũng không nên quá phụ thuộc vào nhà trường để dẫn đến phó mặc con em cho nhà trường. Điều đó đồng nghĩa với việc phụ huynh sẽ tự làm mất đi sự giáo dục từ phía gia đình trong tâm hồn con trẻ.


Nguyễn Thế Lượng