11:09 01/11/2012

Không thể bồi thường trái nguyên tắc

Sau 11 năm di dời, bàn giao đất phục vụ dự án xây dựng công viên Đống Đa (Hà Nội), các hộ dân thuộc diện bị giải tỏa vì lấn chiếm khu vực Ao Thước Thợ vẫn đang tiếp tục mang đơn khiếu nại, kiến nghị gửi đến ngành chức năng và cấp có thẩm quyền...

Sau 11 năm di dời, bàn giao đất phục vụ dự án xây dựng công viên Đống Đa (Hà Nội), các hộ dân thuộc diện bị giải tỏa vì lấn chiếm khu vực Ao Thước Thợ vẫn đang tiếp tục mang đơn khiếu nại, kiến nghị gửi đến ngành chức năng và cấp có thẩm quyền, đề nghị thành phố xem xét cho các hộ dân được hưởng chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) như các hộ dân sử dụng đất hợp pháp phải di dời trong các dự án khác. Tuy nhiên, theo chính quyền thành phố và quận Đống Đa, yêu cầu này của các hộ dân là không thể thực hiện được.


Lấn chiếm đất trái luật


Ngược lại lịch sử khu đất trước khi giải tỏa, dự án xây dựng công viên văn hóa - thể thao - vui chơi Đống Đa giai đoạn một được hình thành trên cơ sở Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và quyết định phê duyệt quy hoạch số 100 ngày 21/4/1981 của Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt quy hoạch công viên Đống Đa thuộc địa bàn quận Đống Đa.

 

Khu đất Ao Thước Thợ nằm trong diện giải tỏa. Ảnh : Lê Phú


Ngày 6/11/1993, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 5966/QĐ-XDUB về việc duyệt tờ trình xây dựng công viên Đống Đa, giao cho Sở Giao thông Công chính (GTCT) làm chủ đầu tư xây dựng công viên Đống Đa diện tích 7 ha bằng nguồn vốn ngân sách thành phố cấp.


Sau đó UBND thành phố đã có quyết định bàn giao công tác giải phóng mặt bằng; Sở GTCT Hà Nội và UBND quận Đống Đa có biên bản bàn giao mốc giới mặt bằng công viên Đống Đa. Từ năm 1993 đến 1998, UBND thành phố đã có nhiều quyết định giao đất, thu hồi đất và đầu tư xây dựng từng bước công viên Đống Đa theo quy hoạch được duyệt. Đến ngày 7/7/1998, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2715/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết công viên Đống Đa với tổng diện tích 45,74 ha, trong đó bao gồm đường thành phố và mương thoát nước, đất còn lại để xây dựng công viên rộng 37,88 ha.


UBND thành phố cũng đã có quyết định giao cho UBND quận quản lý toàn bộ công viên Đống Đa, làm chủ đầu tư, tổ chức giải tỏa mặt bằng, xây dựng công viên theo quy hoạch. UBND quận chịu trách nhiệm tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công viên theo đúng quy định hiện hành của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án xây dựng công viên Đống Đa cơ bản vẫn “treo” do không giải phóng được mặt bằng.


Về tình trạng lấn chiếm đất đai trong khu vực dự án, theo Kết luận số 464/KL-ĐTT ngày 10/11/2000 của Sở Địa chính nhà đất Hà Nội, đoàn thanh tra đã đưa ra kết luận, đối với việc sử dụng nhà đất của trên 570 hộ dân khu vực bãi rác Thành Công, các hộ dân trên không có giấy tờ sử dụng đất hợp pháp, lấn chiếm đất công xây dựng nhà trái phép là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai năm 1993 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai; vi phạm Nghị định 04/CP ngày 10/1/1997 của Chính phủ và Nghị định 48/CP, làm ảnh hưởng cảnh quan kiến trúc và cản trở tiến độ xây dựng công viên Đống Đa.


Đối với việc quản lý, sử dụng nhà đất tại các tổ dân phố 1A, 1B, 1C phường Trung Liệt, tổ 58 phường Thành Công, tổ 37 phường Ô Chợ Dừa, tập thể Sư đoàn 361, tập thể Đoàn nghệ thuật Bộ Công an, tập thể Học viện Nguyễn Ái Quốc, tập thể Công ty cá Hà Nội tại khu vực công viên Đống Đa, qua kiểm tra tại khu vực này đã hình thành khu dân cư từ lâu do nhu cầu nhà ở của nhân dân. Nhiều khu dân cư tồn tại trước khi thành phố quy hoạch và xây dựng công viên Đống Đa. Tuy nhiên, việc phát triển xây dựng, cải tạo nhà ở kiên cố cao tầng bê tông cốt thép chủ yếu diễn ra trong thời gian từ năm 1994 đến nay, là thời điểm sau khi Chính phủ và UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng công viên Đống Đa, cho nên việc xây dựng nhà ở không phép của các hộ dân trong khu vực này là vi phạm điều lệ xây dựng cơ bản được ban hành kèm theo Quyết định số 3273/QĐ-UB ngày 11/9/1985 của UBND thành phố Hà Nội.


Những vi phạm trên mang tính phổ biến trước hết là do công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đô thị của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng còn bị buông lỏng. Các vi phạm không được xử lý thích đáng, kịp thời, dứt điểm. Mặt khác, việc tuyên truyền về quy hoạch công viên Đống Đa chưa được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư tại đây, nên đã xảy ra tình trạng hầu hết các hộ dân xây nhà ở cao tầng kiên cố. Việc di chuyển, giải phóng mặt bằng ở cụm dân cư này không mang tính khả thi, khó thực hiện, rất tốn kém.


Nhằm tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà đất, quản lý xây dựng và quy hoạch trên địa bàn, đoàn thanh tra kiến nghị UBND thành phố có quyết định thu hồi 10.000 m2 đất khu ao rặng tre Thước Thợ giáp khu nhà tập thể của Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc trước đây do Công ty Hà Thủy thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, hiện bị các hộ dân lấn chiếm san lấp xây dựng nhà ở trái phép, giao cho UBND quận Đống Đa quản lý, tổ chức giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án trồng cây xanh bảo vệ hoặc triển khai ngay dự án xây dựng công viên Đống Đa theo quy hoạch chi tiết đã được các cấp có thẩm quyền cho phép.


Tuy nhiên, hơn chục năm nay, trừ khu vực Ao Thước Thợ, phần lớn diện tích nằm trong khu vực này hầu như “vẫn án binh bất động”, chưa được giải tỏa do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.


Khu vực Ao Thước Thợ, chỉ hỗ trợ chứ không bồi thường


Khu vực Ao Thước Thợ nằm trong quy hoạch tổng thể của công viên Đống Đa, từ năm 1994 - 2001, UBND quận Đống Đa đã chỉ đạo UBND phường Trung Liệt và các phòng chức năng của quận tiến hành giải tỏa các hộ dân lấn chiếm đất công khu vực Ao Thước Thợ. Theo kết quả điều tra nguồn gốc sử dụng đất thì trong khu vực này có 132 hộ dân đã xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm, hoặc mua bán nhà trái phép trên đất lấn chiếm đã có quy hoạch cần phải giải tỏa. Do đó, khi các hộ dân di dời bàn giao mặt bằng chỉ được hỗ trợ chứ không được hưởng chính sách đền bù thỏa đáng như các hộ dân sử dụng đất hợp pháp được hưởng khi thực hiện giải phóng mặt bằng.


Tuy nhiên, sau khi bàn giao mặt bằng, các hộ dân ở đây đã liên tiếp khiếu kiện về quyết định phê duyệt dự án, quyết định thu hồi đất không đúng thẩm quyền, về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực xây dựng công viên văn hóa - thể thao - vui chơi Đống Đa. Gần đây nhất, các hộ dân đã kiến nghị UBND thành phố xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ cho các hộ dân lên mức tối thiểu là 28.600.000 đồng/m2.


Trao đổi vấn đề này với ông Trần Việt Trung, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, cho biết: Khu vực Ao Thước Thợ đã giải tỏa xong từ lâu và đơn thư kiến nghị của các hộ dân cũng đã được trả lời đầy đủ theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. UBND thành phố cũng đã có Công văn số 671 về việc dừng tiếp nhận đơn thư, kiến nghị của các hộ dân thuộc diện giải tỏa khu vực Ao Thước Thợ.


Trên thực tế, trong quá trình giải tỏa, ngoài việc hỗ trợ các hộ di dời, thành phố cũng đã xem xét, giải quyết cho 85/132 hộ dân đủ điều kiện được mua nhà theo hai đợt, nhưng 29/35 hộ dân được giải quyết mua nhà tại quỹ nhà 50% tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, vào thời điểm năm 2011 đã từ chối không mua nhà.


Theo ông Đào Trường Sơn, Chánh Thanh tra xây dựng quận Đống Đa, trước đây khi được mua nhà các hộ dân đã rất phấn khởi, trong đó nhiều hộ đã bán ngay lấy lãi vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 20 người đã được mua nhà tại khu đô thị Việt Hưng vẫn tiếp tục đi kiện. Nhà nước đã hỗ trợ và xem xét đến khó khăn của người dân, tạo điều kiện cho các hộ dân có nhà ở. Tuy nhiên, thành phố không thể đáp ứng mọi đòi hỏi không có căn cứ của các hộ dân mãi được, ông Sơn nói.

 

Tuyết Mai