06:22 30/06/2015

Không lo khi giá tiêu dùng tăng thấp

Từ thực tế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 0,55% so với tháng 12/2014, tăng 1% so với cùng kì năm trước và cũng là mức thấp nhất so với cùng kì từ năm 2001 đến nay, các chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, CPI cả năm nay sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5%.

Từ thực tế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 0,55% so với tháng 12/2014, tăng 1% so với cùng kì năm trước và cũng là mức thấp nhất so với cùng kì từ năm 2001 đến nay, các chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, CPI cả năm nay sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5%.

Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 30/6, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, 6 tháng đầu năm nay, thị trường hàng hóa diễn biến theo quy luật thông thường, nguồn cung hàng hóa, dịch vụ phong phú; không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm lễ, Tết. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,1%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%.
“Kết quả của 6 tháng là tín hiệu khả quan đề cả năm CPI sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5%, có thể còn tăng thấp hơn các năm trước”, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định.

Trước ý kiến lo ngại về mức CPI tăng quá thấp có thể dẫn đến giảm phát, bà Trịnh Thu Trang (Viện Kinh tế - Tài chính) chia sẻ: “Tuy CPI tăng thấp nhưng điều này không đáng lo ngại vì sản xuất vẫn tăng. Tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất (6,28%) trong vòng 5 năm trở lại đây”.
Theo các chuyên gia kinh tế, CPI duy trì ở mức thấp sẽ giúp giá cả hàng hóa ổn định, người tiêu dùng được lợi. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, chi phí đầu vào giảm sẽ giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng.

Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã đưa ra dự báo: Lạm phát cơ bản năm nay chỉ khoảng 3,5%. Khả năng đạt mục tiêu lạm phát 5% sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ điều chỉnh giá điện. Ước tính, mức tăng giá điện bình quân 7,5% (ngày 16/3) khiến lạm phát cả năm tăng thêm khoảng 0,5%. Với mức lạm phát cơ bản dự báo trên, giá hàng hóa cơ bản vẫn còn dư địa điều chỉnh. Tuy nhiên, phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ cân nhắc thời điểm, mức độ điều chỉnh các loại giá hàng hóa, dịch vụ y tế, giáo dục, điện, xăng dầu... để tránh tác động cộng hưởng trong cùng thời điểm đến nền kinh tế.

Minh Phương - H.Dương