08:00 19/08/2011

Không gian cồng chiêng của những người đàn bà

Xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có đến 14 nhóm chiêng chuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch. Nhưng tiếng chiêng ở nơi đây có lúc đã không còn mang nhiều âm hưởng của núi rừng khi đã có những “tụ điểm” biểu diễn mà mỗi đoàn khách du lịch phải tốn hàng triệu đồng mới có vài chục phút “xem chiêng”.

Xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có đến 14 nhóm chiêng chuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch. Nhưng tiếng chiêng ở nơi đây có lúc đã không còn mang nhiều âm hưởng của núi rừng khi đã có những “tụ điểm” biểu diễn mà mỗi đoàn khách du lịch phải tốn hàng triệu đồng mới có vài chục phút “xem chiêng”.

Ngày càng ít con gái Cill, Lạch biết biểu diễn các điệu chiêng cổ truyền. Ảnh: Anh Dũng


Trong tâm thức đi tìm hồn núi, chúng tôi đã tiếp cận một không gian khác hẳn, nơi tiếng chiêng ẩn chứa hồn núi, mang cả nhân tình thế thái tự ngàn đời, do chính những người đàn bà, có khi chưa rành tiếng Kinh biểu diễn.

Điệu chiêng nữ tính

Bà Cil Jàr, một phụ nữ đã đi qua 60 mùa rẫy hồi tưởng: “Luật tục Lạch không cấm con gái đánh chiêng, ngày xưa bố mẹ vẫn khuyến khích con gái học nhưng không nhiều người đánh được. Muốn đánh được bộ “Cing bòr” 6 chiếc phải có cái tai nhạy, cái tay dẻo và phải thương rừng nhiều”.

Từ tuổi 15, Cil Jàr và người dì út Cil Kar đã nổi tiếng là cặp sơn nữ đánh chiêng giỏi nhất buôn Bon Đưng. Như khơi đúng mạch nguồn của tâm thức, nghệ nhân Cil Kar đã gần 80 tuổi trở nên dứt khoát trong từng động tác đeo chiếc “cing me”(chiêng mẹ) có tuổi nhiều hơn mấy lần tuổi đời của bà vào vai và ngân nga một điệu dân ca Lạch: “Tôr cing ăn pờn rêng tờ bòng. Tìng gòng pờn rênh tờ kló. Pơn kơwoào pờn rênh tờ tơi…” (Điệu chiêng phải hòa hợp mới hay. Điệu cồng phải chỉnh âm cho đúng. Thổi kèn phải rành cái tai cho êm ái…). Dứt điệu chiêng sâu lắng, Cil Kar ngừng lại giải thích: “Người phụ nữ Lạch khi gia đình bất hòa thường dùng điệu chiêng này thay lời để nói với chồng, gia đình phải thuận hòa, không nên xung khắc”.

Khác với không gian cồng chiêng của những chàng trai núi rừng, trầm hùng, dũng mãnh và vang vọng bên những đống lửa thiêng khi những người Lạch mượn điệu chiêng làm cầu nối giao lưu với thần linh, tiếng chiêng của những người đàn bà Lạch phần lớn lại ngân lên trong những không gian bình dị, những thời khắc đời thường của con người. Cil Jàe, Cil Kar và bốn nữ nghệ nhân chiêng đã ngoài 60 tuổi khác dưới chân đỉnh Langbian huyền thoại đều kể giống nhau: Họ được những người già dạy đánh chiêng bắt đầu từ mỗi bữa cơm gia đình. Sau khi đã thuộc một số điệu trong bộ “cing bòr” gồm 6 chiếc (cing me - chiêng mẹ, cing rơ nul, cing ndơn, cing ndòl, cing notrơ và cing kòn cồng), những sơn nữ Lạch cũng chỉ biểu diễn chiêng trong không gian gia đình để chào đón người đi xa về nhà, để “thổi tai” cho con trẻ đầy tháng hay chỉ để mừng… người con gái đã hết kỳ mãn nhuỵ khai hoa sau khi đã sinh con nhiều như cây rừng nhưng vẫn khỏe mạnh, dẻo dai.

Núi vững chãi bao dung và ẩn chứa sức mạnh huyền bí ngàn đời. Điều này có trong nhạc, họa và trong những biểu trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên.

Ngày càng xa núi

Về xã Lát dịp này, nhìn thấy cảnh từng đoàn xe du lịch rồng rắn đưa khách đi “xem chiêng” và ăn thịt… heo siêu nạc nướng thay thịt rừng thuở hồng hoang núi rừng, mừng cho một số bà con người Lạch đã thức thời kinh doanh văn hóa truyền thống khá hiệu quả nhưng mênh mang buồn vì trong hàng chục sơn nữ đang ngày đêm phục trang sặc sỡ phục vụ du khách, hiếm có người nào còn nhớ nổi một điệu dân ca của cha ông. Càng khó hơn khi tìm một cô gái thạo điệu chiêng “rò năc” (đón khách) như mong ước của bà Cil Kar.

Cil Gluyên, con gái út của nghệ nhân Cil Jàe, lắc đầu trước yêu cầu của chúng tôi “cho gặp một cô gái trẻ biết đánh chiêng ở buôn Đưng”. Ngay cả cô, một trong những sơn nữ trẻ hiếm hoi biết đánh chiêng cũng đã từ giã ba nhóm cồng chiêng ở vùng xã Lát để về làm thợ may. Từng tham gia các đội chiêng đi biểu diễn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Cil Gluyên trầm ngâm: “Em mê chiêng lắm, nắm tay người phụ nữ không phải thiếu sức mạnh để cho tiếng chiêng vang xa, người con gái Lạch có kiểu đánh chiêng riêng của mình cũng giống như con gái không thể theo đàn ông đi săn thú dữ vậy! Gần 10 năm theo học nhưng hiện nay em cũng chưa thể thuộc hết tất cả các điệu chiêng của bộ “cing bòr”. Giờ không đi biểu diễn nữa, lâu lâu nhớ thì đánh ở nhà. Trước đây, đánh sai còn có mẹ sửa nhưng giờ thì ít hơn vì mẹ yếu lắm, cái tai nghe cũng không tốt nữa”. Rất nhiều cô gái ở các buôn làng người Lạch vùng xã Lát rành rẽ các điệu nhảy trong trang phục dân tộc ở các điểm biểu diễn chiêng phục vụ du khách tại nhà K’Plin, K’Tẻ… nhưng ngoại trừ Cil Gluyên, không có ai trong số 5 cô gái trẻ ngồi quanh dịch được điệu dân ca mà bà Cil Kar đang cố ngân nga để thoát khỏi chất giọng đã trở nên trầm đục, nặng nề của người già.

Bếp lửa, rượu cần và những điệu chiêng ngân vang là những thứ mang hồn buôn làng và chuyển tải cả tâm thức núi. Trên hành trình phát triển với những quy luật tất yếu nhưng có phần nghiệt ngã, sự phôi pha cũng là điều khó tránh khỏi nhưng có điều gì đó hơi chạnh lòng trước một không gian văn hóa cồng chiêng mang nét nữ tính tinh tế của những người đàn bà cõng trên mình cả dáng núi, những người phụ nữ gánh vác cả trách nhiệm lưu giữ văn hóa truyền thống ở chế độ mẫu hệ cũng đang bị trượt theo quy luật.

Bài và ảnh: Sơn Tùng