08:10 19/08/2011

Không để thiếu hàng, sốt giá

Tăng tốc trở lại sau 2 tháng "hạ nhiệt", đến tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 14,61% so với tháng 12/2010, khiến nhiệm vụ kiềm chế CPI của năm nay ở mức 15 - 17% trở nên rất khó khăn.

Tăng tốc trở lại sau 2 tháng "hạ nhiệt", đến tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 14,61% so với tháng 12/2010, khiến nhiệm vụ kiềm chế CPI của năm nay ở mức 15 - 17% trở nên rất khó khăn. Để kiềm chế tốc độ tăng giá, các bộ, ngành đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo cung – cầu hàng hóa và kiểm soát giá tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nhất là sau khi thực hiện chính sách quản lý thị trường tài chính ngân hàng chặt chẽ và thận trọng, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định: Tỉ giá ngoại tệ ổn định, lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm, xuất khẩu tăng trưởng, hạn chế nhập khẩu được một số mặt hàng, tỉ lệ nhập siêu giảm xuống còn 12,2%. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, các cơ quan chức năng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ diễn biến giá tiêu dùng.

Làm “nguội” giá thực phẩm

Nguyên nhân chính khiến CPI trong những tháng gần đây tăng cao là do nhóm thực phẩm. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá thực phẩm chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: Cung cầu thực phẩm mất cân đối, chi phí đầu vào tăng, dịch bệnh heo tai xanh, khó khăn về vốn để tái đàn lợn...

Do đó, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn, trong các tháng cuối năm 2011, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu đề xuất các biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích tái đàn như kết hợp với ngân hàng hỗ trợ vốn và lãi suất vốn vay cho người chăn nuôi.

Mua sắm hàng tại siêu thị Co.op Mart Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng- TTXVN


Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT có quy hoạch chăn nuôi giống như quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp. Cần có chính sách hỗ trợ để điều kiện phát triển chăn nuôi chuyển dịch thành khu cụm công nghiệp chăn nuôi. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường hệ thống phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Các bộ, ngành có liên quan thống nhất đề xuất các biện pháp tạm thời như giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng: "Vai trò của thực phẩm trong cơ cấu tính chỉ số giá luôn rất quan trọng, nên nếu muốn "hạ nhiệt" CPI, bắt buộc phải làm "nguội" giá thực phẩm. Trong đó, để giảm giá thực phẩm, quan trọng nhất vẫn là bảo đảm cung cầu, nhưng cần thực hiện đồng bộ những giải pháp tổng hợp gồm cả sản xuất, lưu thông và kiểm soát xuất nhập khẩu”.

Đảm bảo cung - cầu hàng hóa

Từ tình hình biến động giá của mặt hàng thực phẩm trong tháng 7 do nguồn cung bị sụt giảm, có thể thấy, việc ổn định cung - cầu hàng hóa là một trong những biện pháp quan trọng ngăn chặn tình trạng tăng đột biến về giá các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Vì vậy, theo Bộ Công Thương, để bình ổn thị trường cuối năm, cần theo dõi sát diễn biến cung – cầu hàng hóa để có biện pháp điều tiết hợp lý, đặc biệt, không để thị trường rơi vào thế thiếu hàng, "sốt" giá.

Bộ Công Thương lưu ý, trong những tháng cuối năm, việc sản xuất phải bám sát thị trường tiêu thụ các mặt hàng chủ yếu, tránh đầu cơ găm hàng và lũng loạn thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối trong ngành cần có kế hoạch đầu tư cho hệ thống phân phối sản phẩm của mình nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý giá trên địa bàn.

Để bình ổn giá thị trường, ngày 8/7/2011, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã có văn bản thông báo đến các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu và giá bán các mặt hàng xăng dầu trong nước như mức giá điều chỉnh ngày 29/3/2011. Cũng trong tháng 7, Bộ Tài chính, bằng văn bản, đã yêu cầu Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam chỉ đạo các công ty thành viên chưa điều chỉnh tăng giá bán xi măng trong tình hình hiện nay... Cũng do chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, nhiều dự án bất động sản tiếp tục đóng băng và nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tiếp tục giảm so với tháng trước. Cục Quản lý giá dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính lưu ý, những tháng gần đây, hoạt động sản xuất công nghiệp biến động thất thường và chịu nhiều sức ép tăng giá do ảnh hưởng của giá các loại hàng hóa, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng; lãi suất ngân hàng tăng cao gây trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Trường đại học Quốc gia Hà Nội, việc kiểm soát lạm phát trong năm nay khó khăn là do tỷ lệ thâm hụt ngân sách và nợ công đang ở mức cao khiến chính sách tài khóa bị hạn chế khả năng linh hoạt. Lãi suất ngân hàng đã ở mức quá cao khiến Chính phủ không thể dùng nó như một công cụ hiệu quả nhằm kiềm chế lạm phát. Các chuyên gia kinh tế dự báo, CPI những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi đây mới là thời điểm giá cả tăng cao theo quy luật.

Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP, cần nghiêm túc thực hiện những giải pháp "căn cơ" như: Tăng cường quản lý đầu tư công; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, việc giảm mặt bằng lãi suất một cách phù hợp, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản và danh mục đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn cũng cần thực hiện quyết liệt...

Thu Hường