03:09 20/03/2012

Không có chuyện lao động VN tại Malaixia bị bỏ đói

Liên quan đến thông tin hàng chục lao động Việt Nam tại Malaixia không có giấy tờ hợp pháp, bị bỏ đói và nợ lương, chiều ngày 19/3, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã khẳng định với báo chí: Hoàn toàn không có chuyện lao động Việt Nam bị đối xử như vậy.

Liên quan đến thông tin hàng chục lao động Việt Nam tại Malaixia không có giấy tờ hợp pháp, bị bỏ đói và nợ lương, chiều ngày 19/3, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã khẳng định với báo chí: Hoàn toàn không có chuyện lao động Việt Nam bị đối xử như vậy.

Công ty CP Việt Hà - Hà Tĩnh (VIHATICO) là đơn vị đưa số lao động này sang Malaixia làm việc với hợp đồng lao động 3 năm. Công ty Asmana là chủ sử dụng lao động phía Malaixia, chuyên làm dịch vụ vệ sinh cho các bệnh viện, tòa nhà, khu công cộng ở thủ phủ George Town của bang Penang. Đến nay, các lao động Việt Nam làm cho Asmana đã làm được 1/3 thời gian. Mới đây, 69 lao động Việt Nam bị cơ quan chức năng phát hiện không có visa.

Lý giải điều này, ông Đào Công Hải cho biết: Theo đúng quy định, 1 tháng trước khi hết hạn visa, chủ sử dụng lao động tại Malaixia phải có trách nhiệm gia hạn visa cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, công ty Asmana đã không làm đúng bổn phận.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay, ông Nguyễn Tiến San là Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaixia đang tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết quyền lợi cho người lao động và sớm đưa số lao động có nguyện vọng về nước. Đồng thời, Cục cũng yêu cầu công ty Việt Hà - doanh nghiệp đưa số lao động này sang - phải cử cán bộ sang tận nơi để kiểm tra lại cam kết của chủ lao động tại Malaixia. Sau khi các cơ quan chức năng của Malaixia phát hiện các lao động không có giấy tờ hợp lệ, có 26 lao động đã có nguyện vọng về nước. Ông Đào Công Hải cho biết, một mặt, Cục sẽ nhanh chóng tìm hiểu lý do muốn về nước của từng lao động, tìm cách vận động họ ở lại làm tiếp. “Qua tìm hiểu, chúng tôi khẳng định thu nhập, điều kiện ăn ở của lao động chúng ta ở Malaixia rất tốt. Trung bình mỗi tháng thu nhập của lao động là từ 8 -10 triệu đồng”. Tuy nhiên, nếu lao động nào vẫn quyết về nước thì sẽ được hỗ trợ làm thủ tục để sớm trở về.

Ông Đào Công Hải cũng cho biết, ngoài 26 lao động muốn về nước, thì 43 lao động còn lại có nguyện vọng ở lại tiếp tục làm việc hiện nay đang trong thời gian chờ đợi đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaixia làm việc với các cơ quan chức năng của nước bạn. “Trong thời gian chờ đợi, visa mới, họ vẫn được đối đãi tốt và được hưởng mức lương cơ bản, khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng”. Được biết, có một doanh nghiệp khác đang sẵn sàng tiếp nhận số lao động này.

“Sự việc này cho thấy có nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước thường xuyên nhắc nhở bên doanh nghiệp sử dụng lao động ở nước bạn phải có trách nhiệm gia hạn visa cho người lao động Việt Nam, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như lần này”, ông Đào Công Hải cho biết.

Mạnh Minh