04:10 14/04/2012

Không có chuyện cho phép nhập chất cấm trong chăn nuôi

Trước thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho phép nhập chất cấm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Không có chuyện Bộ NN&PTNT hay các bộ, ngành khác cho phép nhập chất cấm sử dụng trong chăn nuôi...

Trước thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập chất cấm trong chăn nuôi, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) về vấn đề này. Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định: Không có chuyện Bộ NN&PTNT hay các bộ, ngành khác cho phép nhập chất cấm sử dụng trong chăn nuôi...

Phóng viên: Xin ông cho biết Bộ NN&PTNT có cho phép nhập chất cấm trong chăn nuôi không ?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Không có chuyện Bộ NN&PTNT hay các bộ, ngành khác cho phép nhập chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, còn việc doanh nghiệp được cấp phép sử dụng chất Gold Protein Peptide (SSI) trong chăn nuôi là hoàn toàn khác vì chất SSI không nằm trong danh mục chất cấm và được phép sử dụng trong sản xuất, lưu thông tại Việt Nam và việc sử dụng chất này làm tăng hiệu quả trong chăn nuôi.


Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi. Nguồn: tienphongonline



Tuy nhiên, có thể bằng cách này hay cách khác chất cấm salbutamol và clenbuterol hay các chất cấm khác đã được trà trộn vào khi nhập khẩu. Trường hợp doanh nghiệp lợi dụng việc cấp phép sử dụng chất có trong danh mục để trà trộn nhập chất cấm là hành vi gian lận thương mại pháp luật cần xử lý nghiêm khắc.

Phóng viên: Vậy theo ông làm thế nào để kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi ?

Ông Nguyễn Xuân Dương: Hiện nay, chúng ta có hàng trăm loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu vào Việt Nam vì vậy cần tăng cường khâu quản lý chất lượng hàng hóa vì theo quy định thì các loại nguyên liệu có trong danh mục thức ăn chăn nuôi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì khi nhập khẩu không phải xin phép các cơ quan quản lý Nhà nước nữa mà chỉ cần làm thủ tục với hải quan để thông quan. Đây cũng là sự lỏng lẻo để doanh nghiệp có thể lợi dụng nhập thức ăn đã có trộn sẵn chất cấm từ nước ngoài nhưng khai báo là chất cho phép để dễ dàng vào Việt Nam . Do vậy, hiện nay không thể khẳng định được tất cả các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập về Việt Nam hay đang lưu hành không có chất cấm hay chất tồn dư nếu doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng để trà trộn nhập chất cấm, đây là hành vi gian lận thương mại.

Trước hết, chúng ta cần phải lấy mẫu, phân tích, xét nghiệm xem có đúng việc trà trộn chất cấm hay không (phải phân tích cả định tính và định lượng). Nếu đúng sản phẩm được trà trộn thì đó là sản phẩm làm giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật. Công ty nào sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm giả này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Qua đây, quan điểm của tôi là phải kiểm soát hay giám sát toàn bộ chứ không chỉ riêng chất SSI vì chất cấm cũng không chỉ có chất tạo nạc mà còn nhiều chất khác nữa.

Để kiểm soát chất cấm nhập khẩu vào Việt Nam theo đường chính ngạch, theo tôi, cần kiểm tra ngay chất lượng tất cả các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trước khi cho thông quan vào Việt Nam đặc biệt chúng ta không khuyến khích nhập các loại hàng hóa có nguy cơ nhiễm cao hoặc sử dụng chất cấm. Nhưng thực tế thì đây là vấn đề lớn vì hàng năm chúng ta nhập khoảng 10 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với hàng trăm chủng loại nên vấn đề đặt ra là làm thế nào để kiểm soát chất lượng mà không gây ách tắc cho sản xuất. Vì vậy, trước mắt chúng ta sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát những nhóm có chứa chất cấm, nếu đúng là có từ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam thì 100% các lô hàng này phải được lấy mẫu kiểm tra.

Để tránh việc doanh nghiệp lợi dụng nhập thức ăn có trộn sẵn chất cấm từ nước ngoài nhưng khai báo là chất cho phép cần kiểm tra tất cả các thành phần thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Các nguyên liệu có trong danh mục không phải xin phép nhập khẩu là đúng nhưng phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu vì nguyên liệu này liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!


Thu Hà (Thực hiện)