04:22 09/04/2015

“Không có CĐV sẽ không có bóng đá”

Giá vé của Ngoại hạng Anh từ lâu đã trở thành nỗi lo của người hâm mộ. Với mức giá cao gấp 3 so với các giải bóng lớn khác của châu Âu, Hiệp hội CĐV phải đứng ra lên tiếng phản đối ban tổ chức Ngoại hạng Anh và cả các CLB về việc hạ giá vé để thêm nhiều CĐV được đến sân.

Giá vé của Ngoại hạng Anh từ lâu đã trở thành nỗi lo của người hâm mộ. Với mức giá cao gấp 3 so với các giải bóng lớn khác của châu Âu, Hiệp hội CĐV phải đứng ra lên tiếng phản đối ban tổ chức Ngoại hạng Anh và cả các CLB về việc hạ giá vé để có thêm nhiều CĐV được đến sân.

Giá vé cao nhất châu Âu

Theo tổng kết của báo chí Anh, mức giá trung bình để đi xem một đội bóng Anh trong cả mùa giải là 808 USD (508 bảng Anh). Đó có thể coi là một mức chi phí khó tin bởi cùng với mức giá này, một CĐV có thể đến sân cả 2 mùa để xem một CLB thuộc 4 giải đấu lớn khác của châu Âu. Một tổng kết được xem là “đáng xấu hổ” hơn khi mức giá vé này gấp hơn 3 lần mức giá vé trung bình của giải bóng hàng đầu nước Đức Bundesliga 220 USD.

Các CĐV tập trung trước cửa sân Emirates để phản đối mức vé quá cao.Ảnh: Daily Mail


Theo nghiên cứu này, ở Ngoại hạng Anh, đội bóng có giá vé đắt nhất châu Âu là Arsenal. Để có thể xem được đội bóng này thi đấu cả 1 mùa, người hâm mộ phải chi từ 1.614 USD cho tới 3.204 USD. Đương kim vô địch Ngoại hạng Anh Manchester City là đội bóng có mức giá vé rẻ nhất giải bóng đá hàng đầu nước Anh, ở mức 476 USD một mùa.

Không chỉ có vé năm của Ngoại hạng Anh, vé trận cũng có mức tăng giá đáng kể ngay từ đầu mùa giải 2014 - 2015. Cụ thể, vé xem trận của Ngoại hạng Anh tăng 15,8%, vé trận của League One tăng 31,7% và League Two tăng 19%. Và bởi vì là đội bóng có mức giá vé cao nhất nên đương nhiên Arsenal cũng giữ luôn ngôi vị có mức giá xem trận đắt nhất, ở mức 201,6 USD, tăng so với mức giá mùa giải trước của họ là 155,2 USD. Dọc theo thành phố London, vé rẻ nhất xem 1 trận của Chelsea cũng phải là 80 USD, trong khi đó vé 1 trận của Tottenham là 129,6 USD. Vé trận của Manchester United ở trong khoảng 59,2 - 92,8 USD khi xem thi đấu tại Old Trafford.

Thực tế giá vé của các CLB hàng đầu châu Âu cũng còn xa mới bằng với mức rẻ nhất của Ngoại hạng Anh. Theo các CĐV Anh, nếu thấy giá vé của Bundesliga đáng ra các CLB Ngoại hạng Anh phải cảm thấy xấu hổ. Cỡ như Bayern Munich cũng chỉ phải trả vé chưa bằng một nửa của Manchester City, ở mức 176 USD. Giá xem rẻ nhất một trận của đương kim vô địch Bayern Munich chỉ ở khoảng 19 USD, của Borussia Dortmund là 20,5 USD.

Tại Tây Ban Nha, Các CĐV của họ cũng chỉ phải chi 165 USD để xem đội bóng yêu mến của họ Barcelona suốt cả 1 mùa. Real Madrid đắt hơn tí chút 295 USD để có cả 1 mùa đến Santiago Bernabeu.

Phản đối mức giá trên trời

Trong trận Arsenal và Liverpool gặp nhau vào cuối tuần vừa qua, rất đông các CĐV đã tập trung trước cửa sân Emirates để phản đối mức vé quá cao. Kết quả là họ đã bỏ lỡ tới 10 phút đầu của trận đấu.

Đó là một trong số rất nhiều hoạt động phản đối việc tăng giá vé diễn ra tại Anh suốt từ cuối năm 2014 kéo dài đến nay. Đỉnh điểm là quãng thời gian sau kỳ nghỉ đông, BTC Ngoại hạng Anh hoàn tất ký hợp đồng bản quyền truyền hình với 2 kênh truyền hình là Sky và BT Sport, tổng giá trị hợp đồng là 8,1 tỷ USD (5,1 tỷ bảng). Với hợp đồng bản quyền truyền hình đắt giá này, người hâm mộ cho rằng khoản tiền bản quyền phải được chi trả trong việc hỗ trợ giảm giá vé bởi “Nếu không có CĐV sẽ không có bóng đá”.

Trong hợp đồng bản quyền truyền hình từ 2016 - 2019 của Ngoại hạng Anh cùng các kênh thể thao kể trên, 95% chi phí bản quyền truyền hình cho các đội bóng, ước tính là 129,6 triệu USD mỗi mùa sẽ được các đội bóng tại giải đấu này toàn quyền sử dụng. Hiệp hội CĐV Anh (FSF) cho rằng một phần trong số đó cũng phải được chi trả cho phần hỗ trợ giá vé đặc biệt cho các CĐV đội khách. Kể từ 2 năm nay, họ đưa phong trào Twenty’s Plenty với mong muốn hạ giá vé xuống mức 20 bảng cho các CĐV đội khách (những người đã phải chi trả rất nhiều chi phí đi lại) để mỗi trận có nhiều khán giả chân chính có thể đến sân.

Trong khi các CĐV ngày càng trẻ thì mức giá “trên trời” kể trên buộc họ chỉ có thể ở nhà xem truyền hình bởi cha mẹ của họ không thể chi trả những khoản chi phí lớn cho con. Một thế hệ CĐV chân chính đang bị buộc phải ở ngoài sân bóng đá nước Anh.

Bình Minh