12:17 22/12/2011

Không “Cải biên” di sản văn hóa dân tộc

“Điều kinh khủng nhất khi bảo tồn di sản âm nhạc là người ta có thể “gieo vừng ra ngô”, GS Tô Ngọc Thanh chia sẻ.

“Điều kinh khủng nhất khi bảo tồn di sản âm nhạc là người ta có thể “gieo vừng ra ngô”, GS Tô Ngọc Thanh chia sẻ.

GS Tô Ngọc Thanh từng viết những bài viết dài đầy tâm trạng về việc “cải biên” di sản văn hóa dân tộc. Trong những cải biên thất sách đó, nghệ thuật chèo bị biến thành vở kịch nói có xen lẫn chèo. Nghĩa là không còn hồn vía chèo ở đâu nữa. Chèo cải tiến những tưởng sẽ thành công rực rỡ khi nhìn vào những vở diễn dễ xem, nhưng thực ra đã hỏng từ gốc. Những vở cải tiến kiểu này, theo GS Thanh, không những không tôn vinh chèo mà còn hạ nó xuống.

Biểu diễn chèo tại làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Ðông Hưng (Thái Bình). Ảnh : Minh Đức – TTXVN


Chưa kể, những kiểu “bình mới rượu cũ” còn trở thành bi hài khi một làn điệu vốn mô tả sự buồn bã, mất mát tự dưng lại biến thành một bài ca cổ động. Trong một lần cải biên khác, một điệu múa với hình tượng con rùa tượng trưng cho vũ trụ đã bị cải tiến thành bài hát, điệu múa cổ động phong trào chăn nuôi… ba ba. Với tiết mục nuôi ba ba ấy, tầng văn hóa mang đậm tính triết lý cổ truyền đã hoàn toàn biến mất.

Một kiểu “gieo vừng ra ngô” khác là đem cổ nhạc ra dạy kiểu châu Âu, thậm chí tổ chức những dàn nhạc dân tộc với cả chục cây đàn bầu, năm, bảy cây đàn nhị đánh cùng một lúc.

Học nhạc từ nhỏ ở Nhạc viện Hà Nội, rồi nhiều năm bôn ba cùng các nghệ nhân, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể lại: “Lúc ấy, tôi chợt nhận thấy, nhạc dân tộc là điều gì đó khác hẳn với bài bản ở trường. Không thể đồ rê mi được, cách ngẫu hứng trên một lòng bản khiến mỗi lần nghệ nhân tấu nhạc hay cất giọng lên là một lần tác phẩm có một dị bản mới. Không thể đồ rê mi, nghĩa là không thể giao hưởng hóa nhạc dân tộc được. Do đó, cũng không thể truyền ca trù theo lối Tây phương hóa được”.

Nhưng đó chính là lỗi mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đã mắc phải khi mở lớp dạy ca trù. Khi ấy, thay vì tôn trọng từng “môn phái” ca trù trong cả nước, học viên lại được học theo các nghệ nhân ở CLB Thái Hà. Kết thúc khóa học, học viên hát đặc kiểu Thái Hà. Trong khi đó, mỗi môn phái ca trù đều có những đặc sắc riêng cần bảo tồn. Vì thế, cách bảo tồn kiểu Thái Hà hóa ca trù chẳng khác gì giết ca trù.

GS Tô Ngọc Thanh bức xúc: “Đấy là lối tư duy không chấp nhận được. Làm sao có thể lấy Thái Hà làm mẫu cho ca trù cả nước? Trống làng nào làng nấy đánh, thánh làng nào làng nấy thờ cơ mà. Đến UNESCO còn có công ước bảo vệ sự đa dạng văn hóa nữa là...”.

Về chuyện “gieo vừng ra ngô”, không chỉ mình GS Tô Ngọc Thanh bức xúc. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng không thấy thoải mái khi không gian quan họ cổ đã bị phá vỡ. Trước kia các liền anh liền chị hát với nhau từng nhóm nhỏ. Nhưng tới giờ, họ mang ra đồi hát cho số đông đến xem hội. Do đó, việc dùng tăng âm không thể tránh khỏi. Và chính tăng âm đã khiến âm thanh quan họ trở nên méo mó, mất duyên.

Chính vì thế, ông Loan đề nghị: “Phục dựng, bảo tồn di sản âm nhạc dân tộc cần chú ý đến không gian văn hóa của nó. Chỉ khi sinh thái văn hóa cho các loại hình âm nhạc được bảo tồn, loại hình đó mới được giữ gìn toàn vẹn”.

Cầm Trang