12:22 22/12/2011

Khốn đốn vì nâng ngực bằng silicone

Nhà chức trách y tế Pháp đang cân nhắc khuyến cáo khoảng 30.000 phụ nữ nước này phẫu thuật tách bỏ một loại miếng độn ngực silicone sau khi xuất hiện cảnh báo về nguy cơ bục túi và mối liên quan tới một dạng bệnh ung thư hiếm gặp.

Nhà chức trách y tế Pháp đang cân nhắc khuyến cáo khoảng 30.000 phụ nữ nước này phẫu thuật tách bỏ một loại miếng độn ngực silicone sau khi xuất hiện cảnh báo về nguy cơ bục túi và mối liên quan tới một dạng bệnh ung thư hiếm gặp. Theo Bộ Y tế Pháp, chính phủ có thể sẽ phải bồi thường cho hàng chục ngàn người.

Bác sĩ thẩm mỹ Maurice Mimoun của Bệnh viện St. Louis (Pháp) cầm miếng độn silicone do PIP sản xuất mà ông đã lấy ra từ một bệnh nhân.


Hai bầu ngực của chị Emmanuelle Maria như bị nung nóng và những giọt silicone thậm chí đã nhô ra ở nách của chị. Miếng độn ngực mà chị được cấy ghép đã “nổ tung” trong người, nhưng các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ thì vẫn bảo Maria rằng không có vấn đề gì hết! Giờ đây, chị muốn chính phủ Pháp phải khuyến cáo 30.000 phụ nữ khác, từng được cấy ghép miếng độn ngực như chị, tách bỏ chúng để tránh các mối nguy hại cho sức khỏe.

Một ủy ban gồm đại diện của các cơ quan quản lý y tế Pháp đã được thành lập từ ngày 14/12 để thảo luận về vấn đề miếng độn ngực do công ty Poly Implant Prosthese (PIP) sản xuất. Dự kiến hôm nay, 23/12, Bộ Y tế Pháp sẽ họp để quyết định có khuyến cáo những phụ nữ từng được đặt miếng độn PIP phải phẫu thuật tách bỏ hay không. Trong khi chưa có quyết định chính thức thì sự việc đã gây xôn xao dư luận không chỉ ở Pháp mà trên khắp châu Âu, đặc biệt là tại Anh, nơi có khoảng 40.000 phụ nữ cũng sử dụng miếng độn ngực của PIP.

Theo Bộ Y tế Pháp, khoảng 30.000 phụ nữ nước này đã phẫu thuật nâng ngực bằng miếng độn của PIP, loại hiện nay chưa được cấp phép lưu hành tại Mỹ. Cơ quan Giám sát sự an toàn của các sản phẩm y tế Pháp (AFSSAPS) cho biết, 523 phụ nữ đã phải phẫu thuật loại bỏ miếng độn PIP kể từ khi sản phẩm này bị phát hiện khiếm khuyết và phải thu hồi vào năm ngoái. Cũng kể từ đó, hơn 1.000 trường hợp cấy ghép miếng độn đã bị bục túi, 8 phụ nữ độn ngực bằng sản phẩm của PIP bị bệnh ung thư và hơn 2.000 người đã nộp đơn kiện lên nhà chức trách. Các nhà điều tra Pháp nghi ngờ PIP sử dụng silicone công nghiệp giá rẻ làm nguyên liệu sản xuất miếng độn y tế, nhờ đó giảm được chi phí lên tới 1 triệu USD mỗi năm.

Phía bên kia eo biển Manche, giới chức Anh cũng đang tỏ ra thận trọng với vụ việc khi có khoảng 40.000 phụ nữ Anh đã được ghép miếng độn ngực của PIP. Cơ quan Quản lý các sản phẩm dược và chăm sóc sức khỏe của nước này cho biết, họ đã xem xét báo cáo từ Pháp về cái chết của một phụ nữ được ghép miếng độn ngực do bị bệnh tế bào lymphô tự ghép, được cho là “một dạng bệnh ung thư hiếm gặp, ảnh hưởng tới các tế bào của hệ miễn dịch”. Trong khi đó, theo một thông cáo mới đưa ra của Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Anh quốc, công ty PIP đã “sử dụng chất liệu silicon phi y tế (silicon công nghiệp), được cho là của các nhà sản xuất nguyên liệu tấm nệm”.

Quyết định của Bộ Y tế Pháp về vấn đề miếng độn ngực sẽ phụ thuộc một phần vào đánh giá của Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia Pháp, cơ quan đang xem xét mối liên quan có thể có giữa việc cấy miếng độn ngực và bệnh ung thư. Các bác sĩ đang nghiên cứu về vấn đề này muốn tất cả các phụ nữ sử dụng miếng độn PIP phải được phẫu thuật tách bỏ, đồng thời kêu gọi chính phủ bồi thường cho họ. “Chúng tôi lo ngại suốt hơn 1 năm qua về vấn đề này, và đã cố gắng để đảm bảo rằng, những phụ nữ sử dụng miếng độn ngực PIP phải được tách bỏ chúng mà không gặp khó khăn về tài chính”, ông Dominique Michel Courtois, một bác sĩ làm việc cho Hiệp hội các nạn nhân sự cố y khoa, phát biểu.

Miếng độn silicone do PIP sản xuất hiện vẫn chưa được cấp phép tại Mỹ, nơi những lo ngại về việc cấy ghép silicone từng dẫn đến một lệnh cấm kéo dài 14 năm. Những miếng độn silicone chỉ được phép quay trở lại thị trường Mỹ từ năm 2006 sau khi một nghiên cứu của giới chức nước này loại bỏ mối liên quan tới bệnh ung thư, lupus và một số lo ngại khác.

Thu Hằng