05:08 08/05/2012

Khởi sắc nhờ thực hiện Nghị quyết 30a

Từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của chương trình theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, đã có sự phát triển đáng kể.

Từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của chương trình theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, qua 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, đã có sự phát triển đáng kể. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên rõ nét, nhiều hộ nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trực tiếp đã vươn lên thoát nghèo bền vững, an ninh - quốc phòng được giữ vững, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a.


Trong 3 năm qua, 53 hạng mục công trình giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi, các công trình phục vụ dân sinh đã được triển khai đầu tư và đưa vào sử dụng đúng tiến độ, mang lại hiệu quả, phục vụ lợi ích trực tiếp cho đời sống của nhân dân như khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí, phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa... Đặc biệt, các công trình thủy lợi như hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 được xây dựng đã giúp người dân chủ động canh tác, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương.


 

Bác Ái tập trung phát triển chăn nuôi gia súc.

 

Huyện cũng đã hoàn thành công tác quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới cho 9/9 xã. Theo đó, 437 hộ nghèo được hỗ trợ vốn trực tiếp một lần (5 triệu đồng/hộ) để mua giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ cải tạo hơn 1.800 ha ruộng bậc thang và đã đưa vào canh tác trên 80% diện tích phục vụ sản xuất, đảm bảo đúng tiến độ và thời vụ theo từng loại cây trồng. Huyện cũng đã thực hiện thí điểm 38 mô hình trồng trọt, chăn nuôi giúp đồng bào có điều kiện tiếp tục nhân rộng để tăng thêm thu nhập. Không những thế, nhờ chính sách vay vốn ưu đãi theo quy định của Chính phủ, hơn 4.500 hộ dân đã được vay với số tiền trên 68 tỷ đồng, để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống và tăng thêm thu nhập.


Không chỉ tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế, các chính sách như giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí cũng luôn được quan tâm triển khai đầu tư. Đến nay, hệ thống trường lớp, nhà ở cho giáo viên cơ bản được dựng xây, đội ngũ giáo viên được bố trí đầy đủ cho các cấp học. Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ then chốt, huyện đã triển khai tốt công tác đào tạo, giúp Bác Ái có hơn 2.500 lao động được đào tạo nghề và đang có việc làm ổn định trong và ngoài nước, góp phần tăng thêm thu nhập cho kinh tế gia đình. Không những thu hút, tạo thuận lợi cho các trí thức trẻ về phục vụ địa phương, huyện Bác Ái luôn chú trọng, quan tâm đến chính sách đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ địa phương, đến nay huyện đã cử đi đào tạo 135 sinh viên là người dân tộc thiểu số theo học các ngành, nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn lực cho địa phương trong tương lai.


Với định hướng đầu tư phát triển đúng đắn và phù hợp theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm hàng năm từ 5 - 7%, đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 55,04%; tình trạng nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo cơ bản được xóa với 983 căn nhà được hỗ trợ xây dựng, đạt 106,5%. Việc giao đất, giao rừng cho hộ dân nhận khoán chăm sóc cơ bản đã thực hiện xong với diện tích được giao hơn 18.700 ha/23 cộng đồng thôn/2.053 hộ dân nhận khoán.


Theo đánh giá của lãnh đạo UBND huyện Bác Ái, với tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện trong 3 năm là hơn 232 tỷ đồng, bao gồm các nguồn vốn lồng ghép các chương trình, giờ đây Bác Ái đã dần thay da đổi thịt. Chính sách hỗ trợ của chương trình theo Nghị quyết 30a rõ ràng đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.


Từ nay đến năm 2015, Bác Ái đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm từ 7 - 9%, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 26,72%. Huyện tạo sự chuyển biến bước đầu trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Huyện tăng cường nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo bước đột phá trong đào tạo nhân lực; triển khai xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, phấn đấu đến năm 2015 có từ 35 - 40% lao động được đào tạo nghề.


Bài và ảnh: Công Thử