01:11 29/01/2011

Khởi sắc du lịch Cố đô Huế

1. Thừa Thiên - Huế hiện nằm trong nhóm đứng đầu về mức độ hấp dẫn du lịch của cả nước. Đây là kết quả lần đầu tiên được công bố trong năm 2010, do các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu du lịch thuộc các lĩnh vực liên quan đánh giá.

Thừa Thiên - Huế hiện nằm trong nhóm đứng đầu về mức độ hấp dẫn du lịch của cả nước. Đây là kết quả lần đầu tiên được công bố trong năm 2010, do các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu du lịch thuộc các lĩnh vực liên quan đánh giá. Thừa Thiên - Huế cũng là địa phương vừa được Chính phủ chọn thực hiện Năm du lịch quốc gia vào năm 2012.

Có thể nhận thấy, năm 2010 khi nền kinh tế thế giới chưa kịp hồi phục, thì du lịch Thừa Thiên - Huế đã lấy lại được đà tăng trưởng, với việc đón 1.486.500 lượt khách, tăng 11,8% so với năm 2009; trong đó, khách quốc tế là 612.500 lượt, tăng 7,9%, khách nội địa tăng 14,8%.


Doanh thu du lịch đạt 917.400 tỷ đồng, tăng 20,5%. Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức có quy mô lớn, chất lượng cao diễn ra liên tục trong năm qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành du lịch.

Cụ thể, lễ hội "Sóng nước Tam Giang" lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút được nhiều khách tham quan. Festival Huế 2010 đã thu hút hơn 130.000 lượt khách đến Huế, trong đó hơn 30.000 lượt khách quốc tế.


Tỉnh còn thực hiện các chương trình xúc tiến và kích cầu du lịch năm 2010, phối hợp với các tỉnh trong cả nước tổ chức giới thiệu chương trình du lịch; ký kết hợp tác phát triển với các tỉnh trong tour du lịch "Hành trình qua các Kinh đô Việt Cổ"; tham gia Tuần văn hóa, du lịch Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Khách du lịch nước ngoài tham quan Đại Nội - Huế. Ảnh: Lê Phú


Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng cho biết: Ngoài hệ thống di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên - Huế còn là vùng đất văn hóa, với hơn 500 lễ hội, bao gồm lễ hội cung đình, lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại cùng với truyền thống văn hóa lâu đời của mỗi vùng miền.

Trong đó, có hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống và hiện đại đã được các địa phương khôi phục và phát huy, bao gồm: Lễ hội cung đình Huế (lễ tế Đàn Nam Giao, lễ tế Đàn Xã Tắc, lễ hội thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn, lễ Truyền Lô..); các lễ hội văn hóa tín ngưỡng tôn giáo (lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Quan Thế Âm, lễ Phật Đản...); lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, thành hoàng, lễ tưởng niệm các vị tổ sư làng nghề (lễ hội Cầu ngư, vật võ làng Sình, vật võ làng Thủ Lễ, đu tiên Phong Điền, lễ hội làng Chuồn, lễ hội đua ghe...) và nhiều lễ hội khác như lễ hội đền Huyền Trân, Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên - Huế, Lăng Cô huyền thoại biển, Festival Thuận An Biển gọi, Ấn tượng Bạch Mã...

Đặc biệt, Festival Huế được định kỳ tổ chức hai năm một lần vào các năm chẵn, Festival Nghề truyền thống Huế tổ chức hai năm một lần vào các năm lẻ đã trở thành một sinh hoạt văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc, tạo nên nét độc đáo cho đất Cố đô.


Bên cạnh đó, nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa của một vùng đất đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy, tạo sự hấp dẫn khách du lịch như các làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình, tranh thêu Cố đô, đan lát Bao La, gót Dã Lê, đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới.

Thừa Thiên - Huế cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực với gần 1.700 món ăn cung đình và dân gian độc đáo, hấp dẫn. Phát huy những lợi thế nêu trên, Thừa Thiên - Huế đã có những bước phát triển khá toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch lớn của cả nước, thực hiện sự liên kết phát triển với các tuyến du lịch của hành lang Đông - Tây và các điểm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng - Cố đô Huế - Hội An - Mỹ Sơn, hình thành nên "Con đường di sản miền Trung"...

2. Thành tựu trong công tác bảo tồn di sản hiện nay đã góp phần kích thích sự phát triển của ngành du lịch trong việc thu hút khách. Trong giai đoạn từ 2006-2010, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (BTDTCĐ) đã tiến hành tu bổ nhiều công trình trọng điểm có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu và có quy mô lớn với tổng kinh phí từ các nguồn trong nước và tài trợ quốc tế trên 202 tỉ đồng.


Điển hình là công trình hệ thống Trường Lang, tổng thể lăng Đồng Khánh, lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị, cung Trường Sanh, nội thất cung An Định, Hiển Đức Môn, lầu Tứ Phương Vô Sự, 10 cổng ra vào Kinh thành Huế, điện Long An...

Bên cạnh đó, công tác gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể cũng từng bước được triển khai. Kể từ khi Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế được thành lập cho đến nay đã có gần 100 diễn viên, nhạc công được đào tạo chuyên ngành. Hiện nhà hát có đội ngũ cán bộ, chuyên viên am hiểu nghệ thuật; có sự cộng tác của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ có uy tín và giàu kinh nghiệm. Nhiều năm qua, nhà hát đã sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn trên dưới 40 bài nhạc lễ; xây dựng nhiều điệu múa cung đình đặc sắc và tham gia nhiều Festival, liên hoan nghệ thuật trong và ngoài nước được dư luận đánh giá cao.

Trung tâm BTDTCĐ Huế đã chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác - đối ngoại với trên 20 tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Qua đó tiếp nhận được sự ủng hộ giúp đỡ nhiều mặt về tài chính, phương tiện kỹ thuật, tri thức khoa học.


Nổi bật với những chương trình hợp tác lớn, như: Bảo tồn trùng tu Ngọ Môn do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, Thế Miếu do Chính phủ Ba Lan tài trợ, chương trình nghiên cứu di tích Huế và nghiên cứu phục nguyên điện Cần Chánh phối hợp với Viện Di sản Đại học Waseda - Nhật Bản, Dự án bảo tồn Nhã nhạc do Chính phủ Nhật Bản tài trợ ủy thác qua UNESCO, dự án bảo tồn phục hồi nội thất ở cung An Định, dự án đào tạo kỹ thuật và phục hồi cổng - bình phong Mộ vua (lăng Tự Đức)...

Đặc biệt, cung An Định là một trong những công trình tiêu biểu có giá trị nghệ thuật nổi bật bởi sự giao thoa giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây giai đoạn đầu thế kỷ 20.



Giá trị ấy thể hiện ở nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật trang trí nội ngoại thất. Tuy nhiên, các bức tranh tường cung An Định theo thời gian cũng bị phai mờ, biến dạng. Từ năm 2002, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã phối hợp với Hiệp hội Trao đổi Văn hóa Leibniz (Đức) đề nghị Bộ Ngoại giao Đức tài trợ để phục hồi trả lại diện mạo vốn có của bức tranh tường độc đáo này. Bên cạnh đó, 9 học viên của Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng được đào tạo kỹ thuật phục hồi tranh tường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Mới đây, các chuyên gia Hàn Quốc còn giúp Trung tâm BTDTCĐ Huế phục chế 2 bộ nhạc cụ độc đáo đã thất truyền, đó là bộ Biên chung và Biên khánh (nhạc cụ thuộc dàn Nhã nhạc cung đình Huế). Bộ Biên chung (chuông đồng) và Biên khánh (bằng đá, phát ra tiếng khi gõ vào) thuộc hệ thống nhạc cụ trong Nhạc lễ triều Nguyễn, đã bị thất truyền về công nghệ chế tác, chỉnh âm và trình diễn.


Đây là kết quả sau nhiều năm hợp tác nghiên cứu giữa các chuyên gia Hàn Quốc và Trung tâm BTDTCĐ Huế để tìm ra cách phục chế 2 nhạc cụ độc đáo bậc nhất này của triều Nguyễn...

Quốc Việt