01:15 25/01/2011

Khởi nghiệp từ những"chất liệu bỏ đi"

Trong cuộc thi Festival Khởi nghiệp dành cho sinh viên- thanh niên năm 2010, dự án “Tranh chất liệu từ cuộc sống” của nhóm 3 bạn trẻ Nguyễn Thu Thảo, Trần Huyền Chi (ĐH Ngoại thương) và Nguyễn Đình Quân...

Trong cuộc thi Festival Khởi nghiệp dành cho sinh viên- thanh niên năm 2010, dự án “Tranh chất liệu từ cuộc sống” của nhóm 3 bạn trẻ Nguyễn Thu Thảo, Trần Huyền Chi (ĐH Ngoại thương) và Nguyễn Đình Quân (ngành đồ họa, Đại học Mở) được Ban giám khảo đánh giá cao bởi sự khác biệt và tính hiện thực của dự án.

Từ những chất liệu... bỏ đi

Tên dự án gây sự tò mò cho nhiều người. Nói đến tranh, người ta thường nghĩ đến tranh sơn dầu, tranh thêu, tranh cát... “Còn “Tranh chất liệu từ cuộc sống” khá đặc biệt”, bạn Nguyễn Đình Quân giải thích, “đó là tranh được ghép từ những chất liệu dễ thấy trong cuộc sống như vỏ trứng, cành cây, giấy, bèo... Trước khi được ghép thành tranh, những chất liệu này sẽ được xử lý hóa chất để đảm bảo có được độ bền với thời gian”.

Sự kết hợp của dự án bắt đầu khi Trần Huyền Chi phát hiện thấy các tác phẩm của Quân sau mỗi khóa học đều xếp lại góc nhà, trong khi ở khía cạnh thẩm mỹ, đây là những tác phẩm hội họa khá thú vị. Chi bàn bạc với Thảo, Quân: Tại sao không phát triển dòng sản phẩm có ích cho cuộc sống này? Cả 3 ráp lại với nhau từ ý tưởng đến tìm nguyên liệu, thiết kế tạo ra sản phẩm chung của cả nhóm. Bức tranh đầu tiên của cả nhóm ra đời vào cuối năm 2009.

Nhóm dự án “Tranh chất liệu từ cuộc sống” bên cạnh sản phẩm.


Điều độc đáo của tranh chất liệu chính là ở chỗ những thứ mà nhiều người nghĩ sẽ là đồ bỏ đi, nhưng qua các khâu xử lý, bàn tay tài hoa... đã hình thành những tác phẩm đầy ý nghĩa. Do đó, sự khác biệt của dự án sinh viên này chính là sự kết hợp giữa những người làm kinh doanh và nghệ thuật để phổ biến dòng tranh còn mới mẻ với thị trường nội thất của Việt Nam.

Sau khi có những sản phẩm đầu tiên, nhóm đã có những đơn đặt hàng. Kết hợp “học đi đôi với hành”, vào giữa năm 2010, khi trường ĐH Ngoại thương, VCCI phối hợp tổ chức cuộc thi dự án Khởi nghiệp dành cho sinh viên tại trường, nhóm đã quyết định tham gia và hoàn thiện hơn nữa bản kế hoạch dự án. Do dự án mang hơi thở từ thực tiễn nên đã thuyết phục BTC ngay lập tức.

Con đường còn nhiều chông gai

Đằng sau thành công, cả nhóm cũng gặp muôn vàn gian nan khởi nghiệp. Chi và Thảo thừa nhận: “Trực tiếp làm kinh doanh mới thấm thía câu nói “Thương trường là chiến trường”. Khi còn ngồi ghế nhà trường, học lý thuyết, bọn em không biết nên bắt đầu từ đâu. Với dự án này, khởi nghiệp với sinh viên chỉ có ý tưởng và hoài bão, còn vốn liếng ban đầu đều phải đi vay và gặp muôn vàn khó khăn, nhưng nó cho nhóm bọn em có những bài học thực tiễn, trải nghiệm thú vị”.

Còn với Quân, không chỉ sáng tác tranh cho việc học mà giờ em còn tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Quân tâm sự: “Tranh chất liệu còn ít người biết và do đặc trưng của loại tranh chất liệu, khi được đặt hàng thì chỉ có 1 sản phẩm duy nhất và khách hàng không lo đụng hàng. Chính vì làm “hand made” nên tranh chất liệu làm rất kỳ công. Chính vì vậy, dự án cũng hy vọng là một kênh quảng bá dòng tranh này tới mọi người”.

Việc đoạt giải, với cả 3 thành viên trong nhóm, vừa là niềm tin vào định hướng nghề nghiệp tương lai, vừa tạo niềm tin với gia đình, những người đã “mạnh dạn” cho các bạn vay vốn ban đầu. Có lẽ ý thức được sự khó khăn trong kinh doanh, cả 3 đều xác định sẽ tiến dần từng bước. Trong 3 năm tới vẫn kinh doanh dạng cửa hàng, nhất là bán hàng trực tuyến tại địa chỉ ourwayshop.com.

Khi đã có đủ tiềm lực sẽ mở rộng quy mô. Trước mắt, cả nhóm đang nhờ tư vấn luật để đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ với dòng tranh này, tìm kiếm sự hợp tác đầu tư. Tính đến thời điểm này, nhóm đã bán được gần 100 bức tranh, mới đây một công ty ở Pháp đã đặt đơn hàng 20 bức. Ngoài ra nhóm còn hợp tác với Công ty TNHH thương mại và nội thất Nhà Đẹp, một số siêu thị, phòng tranh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa... để phát triển dòng tranh độc đáo này.

Xuân Cường