10:07 22/10/2014

Khởi nghĩa Philippines - Cuộc chiến bị lãng quên (kỳ 3)

Chiến tranh Philippines - Mỹ, hay còn gọi là Khởi nghĩa Philippines (1899 - 1902), là một trong những cuộc chiến bị lãng quên và một trong những chiến dịch chống nổi dậy thành công nhất của Mỹ.

Kỳ 3: Những thay đổi về chiến thuật

Do bộ máy quân sự của quân nổi dậy được tổ chức hết sức lỏng lẻo và nói chung chỉ thống nhất vì mục tiêu ngắn hạn là tác động đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nên nhiều người xác định điều có lợi nhất cho họ là đứng về phía người Mỹ thay vì chiến đấu chống Mỹ.

Trinh sát người bản địa ủng hộ Mỹ.


Việc Aguinaldo không thể thiết lập một bộ máy quân sự hiệu quả đóng vai trò then chốt trong chiến thắng dài hạn của Mỹ. Binh sĩ của Aguinaldo trang bị sơ sài và thiếu đoàn kết dẫn đến sự cấu kết xã hội tan rã khi các đơn vị và các nhóm sắc tộc hợp nhất.

Sau khi Mỹ điều động đủ binh lính, một cuộc chiến tranh chớp nhoáng đã diễn ra và chiến dịch nổi dậy không thể duy trì được sự đoàn kết nội bộ cũng như sự ủng hộ từ quần chúng.

Những tiến bộ trong hoạt động tình báo đã tăng cường nỗ lực của Mỹ, bên cạnh những thay đổi về chiến thuật và chiến lược mà Lục quân Mỹ áp dụng trong cuộc chiến với Philippines. Đầu tiên, Sư đoàn thông tin quân sự Mỹ đã lập ra một nhóm chuyên trách về bản đồ để khắc phục tình trạng khan hiếm các dữ liệu đáng tin cậy mà binh sĩ đối mặt trong thời kỳ đầu chiến dịch.

Thứ hai, Tướng McArthur đã gia tăng số lượng đơn vị đồn trú Mỹ trên khắp Philippines. Từ chỉ 53 doanh trại trong tháng 5/1900, lực lượng Mỹ đã thiết lập 639 căn cứ vào tháng 9/1901. Động thái này không chỉ góp phần hiệu quả biến mỗi binh sĩ thành một “trinh sát” mà còn cho phép các lực lượng Mỹ chiến đấu với quân nổi dậy ở cấp địa phương.

Việc ở gần các cộng đồng dân cư giúp các binh sĩ Mỹ hiểu hơn về con người và văn hóa bản địa. Ngoài ra, lính Mỹ cũng đã thông thạo hơn địa hình khu vực và quan trọng nhất là biết cách thích nghi với địa hình đó. Với sự thay đổi mang tính chiến thuật, quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch bằng những đơn vị nhỏ thay vì phát động những chiến dịch quy mô lớn.

Những chiến thuật trong cuộc Nội chiến Mỹ liên quan đến đội hình hàng dọc, hành quân ồ ạt và xây đắp công sự cố thủ đã không còn phù hợp cho mục tiêu chống nổi dậy ở Philippines.

Binh sĩ Mỹ xây trường học, cầu đường và trạm y tế ở bất cứ nơi nào họ đến. Hoạt động này mang lại hiệu quả quan trọng, giúp quân nhân Mỹ tiếp cận người Philippines hàng ngày nhằm mục đích thu thập tình báo đồng thời tạo sự tin tưởng của người dân Philippines nơi các lực lượng Mỹ.

Lục quân Mỹ từ năm 1899-1900 đã thiết lập một mạng lưới tình báo ở thành phố Manila cũng như ở tất cả các thị trấn nơi các đơn vị Mỹ đồn trú. Một yếu tố quan trọng là, các binh sĩ đóng quân trong doanh trại trong thời gian dài và các chỉ huy quân sự được gọi là những nhà quản lý dân sự.

Những người Philippines chờ được tuyển mộ vào làm việc cho Lục quân Mỹ.


Chỉ huy cấp trung đoàn được gọi là tỉnh trưởng trong khi chỉ huy doanh trại gọi là thị trưởng. Điều này cho phép họ thiết lập các mối liên lạc rộng rãi tại địa phương, nắm rõ về tình hình địa lý, văn hóa và con người bản địa cũng như tiếp xúc, tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chính những kinh nghiệm của Mỹ trong công cuộc tái thiết đất nước thời hậu chiến (1863-1877) đã giúp họ có sẵn trong tay một kiểu cấu trúc hành chính và dựa vào đó tổ chức Philippines theo mô hình ban ngành, trong khi việc Lục quân Mỹ sẵn sàng gánh vác các trách nhiệm dân sự như một phần nghĩa vụ của họ đã góp phần đáng kể vào chiến thắng của Mỹ.

Những biện pháp cải thiện dân sinh có tác dụng to lớn, giúp chia tách lực lượng nổi dậy khỏi quần chúng nhân dân. Cuộc khởi nghĩa của Aguinaldo là vì mục đích chính trị, chứ không phải xã hội. Ông ta muốn khôi phục quyền lực của tầng lớp tinh hoa, chủ yếu là tầng lớp thượng lưu Tagalog trong xã hội Philippines, những người được giáo dục đầy đủ dưới sự cai trị của Tây Ban Nha.

Xét trên khía cạnh này, việc Mỹ nâng cấp cơ sở hạ tầng đã góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống, điều mà quân nổi dậy không sẵn lòng mang lại cho người dân.

Khi các thị trấn quay lưng với quân nổi dậy, lực lượng này mất đi chiến thuật hiệu quả nhất, đó là khả năng lẩn trốn trong dân chúng, và cả vũ khí cùng nguồn tiếp tế đóng vai trò sống còn.


Huy Lê