10:14 16/10/2014

Khơi mở cơ hội Nhật Bản đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 6/10/2014, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tiếp đoàn công tác của tỉnh Ibaraki, Nhật Bản do ngài Hashimoto Masaru Thống đốc đẫn đầu cùng với các quan chức và doanh nghiệp của Nhật hơn 60 đại biểu sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Ngày 6/10/2014, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tiếp đoàn công tác của tỉnh Ibaraki, Nhật Bản do ngài Hashimoto Masaru Thống đốc đẫn đầu cùng với các quan chức và doanh nghiệp của Nhật hơn 60 đại biểu sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trưởng ban Chỉ đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế đồng bằng sông Cửu Long-Sóc Trăng 2014 (MDEC-Sóc Trăng 2014) đã được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang mời dự cùng Chủ tịch nước và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chủ tịch nước, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng, các địa phương Đồng Tháp, Nam Định tại buổi tiếp này.

Nỗ lực quảng bá hình ảnh

Bên lề cuộc gặp chính thức, đồng chí Nguyễn Phong Quang đã tranh thủ giới thiệu với đoàn công tác của tỉnh Ibaraki, Nhật Bản về vùng ĐBSCL, về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế đồng bằng sông Cửu Long nói chung và MDEC-Sóc Trăng 2014 với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp-xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL” rất phù hợp với một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp của Nhật Bản như tỉnh Ibaraki, gửi thư mời Ngài Thống đốc và các thành viên trong đoàn công tác sang tham dự Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL năm 2014 diễn ra vào sáng ngày 6/11/2014 tại tỉnh Sóc Trăng.

Họp báo Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng 2014 (MDEC Sóc Trăng 2014).Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Trước đó, từ ngày 14/9 đến 20/9/2014, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ do ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đẫn đầu cùng với lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã có chuyến công tác tại Nhật Bản. Mục đích của đoàn công tác là thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư với Nhật Bản trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp (kể cả máy móc công nghiệp), nuôi trồng và xuất nhập khẩu thủy hải sản, đào tạo nguồn nhân lực; mời gọi đầu tư, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ và du lịch, một số lĩnh vực cụ thể khác thuộc thế mạnh của vùng ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng với Nhật Bản. Giới thiệu với các đối tác Nhật Bản về tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL, giới thiệu đậm nét về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các bộ, ngành. Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương vùng ĐBSCL tổ chức hàng năm, giới thiệu cụ thể về MDEC-Sóc Trăng 2014.

Trong thời gian công tác tại Nhật, đoàn đã thăm và làm việc tại Thành phố Sapporo. Tại đây, Đoàn được Tập đoàn kinh tế Takao của Nhật Bản hướng dẫn đến tham quan, nghiên cứu việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác Nghĩa trang hoa viên, gắn với Nhà hàng ăn uống và các dịch vụ kèm theo do Tập đoàn đầu tư. Cùng ngày, Đoàn công tác được Tập đoàn hướng dẫn đến tham quan, nghiên cứu tìm hiểu việc đầu tư xây dựng sân golf tại Sapporo: Sapporo (54 lỗ) và Miyazaki (18 lỗ) do Tập đoàn đầu tư. Qua khảo sát thực tế việc đầu tư của Tập đoàn tại Nhật Bản với mong muốn của phía bạn muốn hợp tác, đầu tư một sân golf tại vùng ĐBSCL của Việt Nam và hợp tác đầu tư một số lĩnh vực khác thuộc thế mạnh của tập đoàn và tiềm năng của vùng ĐBSCL.

Đoàn đi tìm hiểu thực tế tại Nhà máy sản xuất máy nông nghiệp và làm việc với lãnh đạo Công ty cơ khí nông nghiệp Kubota tại thành phố Tsukubamirai, tỉnh Ibaraki. Nhà máy được thành lập năm 1975, chuyên sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp, các loại máy nông nghiệp được công ty sản xuất có sử dụng ở thị trường ĐBSCL như máy cày máy kéo, máy chạy tàu,... Đoàn công tác giới thiệu khái quát chung về vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ về tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai, lao động, nhất là về phát triển nông nghiệp… mời lãnh đạo công ty sang thăm vùng ĐBSCL, tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư một nhà máy sản xuất máy nông nghiệp tại Cần Thơ hoặc một địa phương thuộc vùng ĐBSCL, Việt Nam.

Lãnh đạo công ty Takao đã đánh giá cao thị trường tiêu thụ máy nông nghiệp do công ty sản xuất tại Việt Nam và nhận lời mời của lãnh đạo Ban Chỉ đạo và thành phố Cần Thơ về việc đến vùng ĐBSCL, Việt Nam để nghiên cứu đầu tư một số lĩnh vực thuộc thế mạnh của công ty trong thời gian tới. Đoàn cũng gặp gỡ, làm việc với đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại giao Nhân dân (FEC) Nhật Bản. Phía Nhật đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển đất nước, trong quan hệ hợp tác quốc tế nói chung và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản nói riêng rất thiết thực và hiệu quả.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10/2014, Tổ chức Xúc tiến Ngoại giao Nhân dân (FEC) Nhật Bản tổ chức một đoàn sang thăm, làm việc tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Cần Thơ, đại diện FEC mong muốn được thành phố Cần Thơ mở một khu công nghiệp riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư về du lịch, thương mại dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp và giao thông vận tải…

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và thành phố Cần Thơ thông tin cho bạn biết về mục đích chuyến công tác, giới thiệu khái quát chung về tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng (đoàn có gửi kèm tài liệu quảng bá, giới thiệu về vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ; mời gọi đầu tư của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và thành phố Cần Thơ, mời tham dự MDEC-Sóc Trăng 2014 đến tổ chức của bạn). Thành phố Cần Thơ ghi nhận những đề nghị của phía bạn, thành phố mời gọi và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhật đầu tư vào Cần Thơ trong thời gian tới.

Tăng cường cơ hội hợp tác


Đoàn cũng đã có cuộc làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Phía Nhật đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua, đặc biệt là quan hệ với khu vực ĐBSCL thông qua sự thu xếp của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Đại sứ Đoàn Xuân Hưng. Điển hình là chuyến công tác vừa qua của Ủy ban Hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản, Phòng TM & CN Nhật Bản với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL vào tháng 3/2014.

Tại buổi gặp gỡ này, 2 bên (Ủy ban Hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản, Phòng TM & CN Nhật Bản với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm chia sẻ thông tin và nguồn nhân lực tốt nhất để thúc đẩy đầu tư và hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó, chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vùng ĐBSCL và doanh nghiệp Nhật Bản quan hệ, trao đổi, tìm hiểu để tiến tới hợp tác cụ thể. Phía Nhật cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến đầu tư cụ thể vào vùng ĐBSCL thời gian tới như đã ký kết biên bản ghi nhớ với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Đoàn công tác đã giới thiệu một số nét cơ bản về tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ, về Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL nói chung và Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL-Sóc Trăng năm 2014...

Tại buổi gặp công ty Honda, lãnh đạo thành phố Cần Thơ mong muốn hợp tác với Công ty Honda đầu tư Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy, các loại máy phục vụ nông nghiệp, công nghiệp tại thành phố Cần Thơ hoặc một địa phương thuộc vùng ĐBSCL, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhật Bản đầu tư vào thành phố.

Tại các buổi làm việc với các đối tác Nhật Bản, đoàn công tác đã thông tin cho bạn biết về tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng; mời gọi và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhật Bản đầu tư vào thành phố Cần Thơ trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các địa phương trong vùng tích cực triển khai các giải pháp cụ thể thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã ký vào tháng 3/2014 tại Cần Thơ; giới thiệu chung Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL và MDEC - Sóc Trăng 2014; mời Đại sứ Việt Nam tại Nhật, các tổ chức, các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự MDEC/Sóc Trăng 2014 vào các ngày 5/11 đến 7/11/2014 tại tỉnh Sóc Trăng. Các đối tác Nhật Bản rất quan tâm đến vùng ĐBSCL, đến MDEC nói chung và MDEC Sóc Trăng 2014, nhận lời mời của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hẹn sẽ thu xếp sang tham dự MDEC - Sóc Trăng 2014 vào tháng 11 tới tại tỉnh Sóc Trăng.

Chuyến đi của đoàn công tác đã đạt được kết quả trên nhiều phương diện, đáp ứng được mục đích tăng cường mối quan hệ, hợp tác giữa ta và bạn, quảng bá được hình ảnh của vùng ĐBSCL, hình ảnh và nội dung Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL, tạo sự tin cậy, góp phần sâu sắc hơn, thiết thực hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Đoàn công tác đề nghị Trung ương xem xét tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có những chuyến công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư hiệu quả nhiều hơn nữa cho vùng ĐBSCL tại Nhật Bản và một số nước, nhất là giới thiệu về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL.

Bích Liên