06:12 15/06/2015

Khởi động dự án Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng tại Quảng Bình

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo khởi động dự án Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng.

Ngày 9/6, tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo khởi động dự án Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và đô thị tại tỉnh Quảng Bình.

Quang cảnh hội thảo.


Dự án Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và đô thị tại tỉnh Quảng Bình được triển khai trong 3 năm (từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2018) với tổng kinh phí dự kiến là 600 nghìn Euro do Hội Chữ thập đỏ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ. Dự án nhằm mục tiêu góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của hiểm họa ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực thành thị, ngoại ô và nông thôn thuộc tỉnh Quảng Bình. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án gồm 4.000 người và hơn 24.000 người được hưởng lợi gián tiếp.

Dự án sẽ được triển khai tại phường Phú Hải và xã Bảo Ninh của thành phố Đồng Hới, xã Thuận Hóa và xã Mai Hóa của huyện Tuyên Hóa. Đây là những địa phương của tỉnh Quảng Bình thường gặp thảm họa thiên tai trong thời gian qua.

Dự án Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và đô thị tại tỉnh Quảng Bình gồm các hoạt động như: Chính quyền địa phương và người dân tại các xã, phường hưởng lợi cùng với ít nhất 4 trường học xây dựng kế hoạch hành động phòng ngừa ứng phó thảm họa và các kế hoạch dự phòng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa ứng phó thảm họa như triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tuyên truyền phổ biến kiến thức và hướng dẫn kỹ năng cho các cán bộ tham gia dự án. Tổ chức tập huấn cho đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh, các cán bộ, tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ về nhà ở an toàn, nước sạch, vệ sinh môi trường; truyền thông vệ sinh, lồng ghép giới và người khuyết tật trong công tác phòng ngừa ứng phó thảm họa; tập huấn cán bộ, tình nguyện viên, huy động và quản lý nguồn lực tài chính; xây dựng các mô hình truyền thông, tổ chức các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó thảm họa.





Tin, ảnh: Võ Dung (TTXVN)