05:08 02/05/2015

Khoảng 1.000 người châu Âu mất tích sau động đất tại Nepal

Số nạn nhân thương vong và mất tích sau trận động đất mạnh 7,8 độ richters hồi tuần trước tại Nepal tiếp tục tăng lên, trong khi các công tác cứu trợ vẫn diễn ra hết sức khẩn trương.

Số nạn nhân thương vong và mất tích sau trận động đất mạnh 7,8 độ richters hồi tuần trước tại Nepal tiếp tục tăng lên, trong khi các công tác cứu trợ vẫn diễn ra hết sức khẩn trương.


Ngày 1/5, người đứng đầu phái bộ Liên minh châu Âu (EU) tại Nepal cho biết có khoảng 1.000 công dân của EU vẫn đang bị mất tích tại Nepal và 12 người được xác nhận đã tử vong. Đại sứ EU tại Kathmandu Rensje Teerink cho biết hiện vẫn chưa thể xác định số công dân mất tích này và họ đa số là khách du lịch tại dãy núi Langtang gần tâm chấn hoặc trong khu vực Everest.


Lực lượng cứu hộ và người dân Nepal làm việc tại khu vực đền cổ Mahadev Mandir ở quảng trường Durbar bị phá hủy sau trận động đất ngày 30/4/2015. Ảnh: AFP/TTXVN


Trước đó, theo Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp quốc gia Nepal (NEOC), thương vong trong trận động đất ngày 25/4 vừa qua ở nước này đã lên đến 6.204 người thiệt mạng và 13.932 người bị thương.


Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ chính quyền Nepal khắc phục hậu quả động đất. Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết lực lượng thủy quân lục chiến nước này sẽ triển khai máy bay quân sự, thiết bị chuyên dụng hạng nặng và các nhân viên điều khiển không lưu tới Nepal từ ngày 2/5.


Chuẩn tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ Paul Kennedy cho biết theo một thỏa thuận đạt được với Chính phủ Nepal đầu tuần này, Mỹ sẽ điều 6 máy bay quân sự, trong đó có 2 trực thăng, cùng khoảng 100 lính thủy quân lục chiến và thiết bị chuyên dụng tới Nepal. Quân đội Mỹ sẽ giúp Kathmandu xử lý khối lượng hàng cứu trợ ngày càng nhiều, vấn đề đang cản trợ hoạt động của sân bay quốc tế duy nhất ở Nepal.


Tướng Kennedy cho biết thêm Mỹ không tham gia các hoạt động điều khiển không lưu tại sân bay Kathmandu, hành động sẽ làm dấy lên những nghi ngại về vấn đề chủ quyền.


Cùng ngày 1/5, nhiều người dân Nepal đã tụ tập tại trung tâm thủ đô Kathmandu nhằm bày tỏ sự thất vọng trước sự phản ứng chậm chạp của chính phủ nước này trong công tác cứu trợ người dân bị ảnh hưởng sau trận động đất kinh hoàng. Trước đó, ngày 29/4, Chính phủ Nepal thừa nhận đã đánh giá sai tình hình và chậm trễ trong công tác cứu hộ cũng như cung cấp đồ tiếp tế cho những người bị ảnh hưởng trận động đất khi tập trung những người này tới những ngôi làng hẻo lánh nhằm tránh xa các đợt dư chấn mới có thể xảy ra. Cho đến nay, mặc dù lượng đồ cứu trợ tới từ nhiều nước trên thế giới phần lớn đã được chuyển tới Nepal song vẫn chưa thể được chuyển tới một số khu vực núi cao hiểm trở.


Trong một diễn biến liên quan, Chính quyền bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ, đã đề nghị đơn vị tình báo cảnh sát của bang này chú ý đến khả năng xảy ra tình trạng di cư ồ ạt từ Nepal sau trận động đất. Cục Cảnh sát Uttarakhand cũng khẳng định đơn vị tình báo cảnh sát đã được đặt trong tình trạng báo động dọc biên giới dài 275 km giáp Nepal để theo dõi khả năng xảy ra tình trạng di cư ồ ạt.


Theo một số nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, nhiều người Nepal đang rời nước này sau trận động đất gây tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, vốn được coi là “xương sống” của nền kinh tế Nepal. Nếu bùng nổ làn sóng di cư từ Nepal thì các bang Sikkim và Uttarakhand của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.


TTXVN/Tin tức