06:15 19/06/2015

‘Khỏa thân núi thiêng’ và ‘cái tát’ vào báo chí xài tin mạng xã hội

Một tờ báo lẫy lừng một thời như Washington Post vẫn có thể phạm phải những sai lầm chết người khi “ăn tin” từ mạng xã hội mà thiếu đi việc thẩm định, điều tra thông tin.

Một tờ báo lẫy lừng như Washington Post vẫn có thể phạm phải những sai lầm chết người khi “ăn tin” từ mạng xã hội mà thiếu đi việc thẩm định, kiểm chứng thông tin.

Kì 1: Làm việc kiểu “Anh hùng bàn phím”

Hẳn mọi người đều còn nhớ tới câu chuyện: Trận động đất làm chết 18 người ở núi Kinabalu, Malaysia hôm 5/6 vừa qua là do một nhóm khách du lịch khỏa thân, tiểu bậy khiến ngọn núi thiêng này “nổi giận”. Thế nhưng sự thực không phải như những gì mà báo chí đưa tin. Dù có một số người bị buộc tội và trục xuất khỏi Malaysia sau quãng thời gian ngắn bị tạm giam với cáo buộc “làm mất mĩ quan nơi công cộng”, trong số này không hề có ai tên là Emil Kaminski – người được cho là thủ lĩnh của nhóm khách du lịch leo núi.

Chân dung "kẻ thích đùa" Emil Kaminski. Ảnh: Youtube


Kaminski giờ lên tiếng khẳng định mình không hề đặt chân tới Malaysia thời điểm đó. Vậy nên làm sao có chuyện khỏa thân trong ngày sinh nhật ở núi Kinabalu được. Và đó là bài học đau xót cho giới báo chí Mỹ và truyền thông quốc tế: Phóng viên đừng “vờ” có mặt ở hiện trường. Nó cũng là một trường hợp điển hình cho thấy, một tờ báo tên tuổi vẫn có thể “dính chưởng” như thường nếu đi vào khai thác tin gây sốc, giật gân, nhảm nhí, chưa xác định được mức độ xác thực trên các mạng xã hội.

Vị khách du lịch người Canada Kaminski đã thú nhận anh là người “giễu cợt” (troll) truyền thông quốc tế - để rồi chính họ tin vào, mắc câu, viết bài và phạm sai lầm. Trên thực tế, Kaminski đã tạo ra những bức ảnh giả, đẩy lên Facebook và Twitter, để rồi “buộc” cả giới chức Malaysia và truyền thông quốc tế phải chú ý.

Tờ Washington Post (WP – Bưu điện Washington) bản điện tử của Mỹ là người mắc cỡ hơn cả. WP đã cho đăng tải 6 loạt bài về chủ để “Những người leo núi khỏa thân” - 4 trong số đó lấy từ hãng AP, 1 từ Religion News Service và 1 bài do “phóng viên” WP viết. Tác giả của WP chính là Michael E. Miller, với chức danh “Phóng viên các vấn đề đối ngoại”. Ông này chuyên viết cho trang Blog Morning Mix.

Xét trên lĩnh vực báo điện tử, WP hiện không có một phóng viên nào thường trú ở Đông Nam Á. Tờ báo này còn chẳng có nổi một phóng viên ngay trong nước Mỹ ngoại trừ Washington. Lý do là bởi WP đã cho đóng cửa toàn bộ các văn phòng đại diện ở Mỹ, từ New York, Los Angeles đến Chicago.

Đó dường như không phải là cách thức hoạt động thường thấy bấy lâu đối với WP, một trong những tờ báo từng được đánh giá là “khỏe” nhất, uy tín nhất trong làng báo chí thế giới. Giờ đây, các bài viết đăng trên WP đều là do các “Phóng viên các vấn đề đối ngoại” cung cấp, họ ngồi sau màn hình máy vi tính. Lao vào cuộc đua giành giật tin, bài nóng trên web, WP không còn đủ khả năng để thẩm định thông tin có xác thực hay không. Trong bài viết có tiêu đề “Khách du lịch khỏa thân, núi thiêng động đất và người Malaysia nổi giận”, WP đã “khắc họa” một nhân vật Emil Kaminski, một blogger du lịch, người từng khỏa thân ở nhiều địa điểm hoang dã trên thế giới.

Tác giả mô tả như thật cách thức mà Kaminski trốn tránh giới chức Malaysia sau khi động đất xảy ra. “Kaminski dường như chẳng phải tốn nhiều công sức thoát khỏi tầm theo dõi. Ngược lại, đúng hôm thứ Hai, anh ấy đã đăng bức ảnh đoàn du khách khỏa thân trên đỉnh núi, bên cạnh đó là dòng chú thích: ‘Núi Kinabalu. Khoảng khắc trong đời tôi’, cùng với đó là việc anh tag hai người bạn cùng xuất hiện trong ảnh”, WP đăng tin.

Kaminski “không trả lời khi chúng tôi nhiều lần yêu cầu anh ấy đưa ra bình luận”, WP nói trong một bài viết dài ngoằng về vị khách người Canada thích đùa trên đỉnh núi Malaysia. Vấn đề nằm ở chỗ, Kaminski đã có mặt ở Malaysia khi xảy ra thảm họa đâu: Anh này chỉ là người thích nổi tiếng trên không gian mạng, thích thêu dệt thông tin như bao người khác trong thế giới ảo.

Kaminski cuối cùng cũng lên tiếng: Anh khẳng định những bức ảnh chụp đăng trên mạng là giả mạo, nhằm mục đích chọc tức giới chức Malaysia và “troll” truyền thông. Và rồi “Phóng viên các vấn đề đối ngoại” của WP ngồi sau màn hình vi tính ở Washington DC dính bẫy.

Kì cuối: Washington Post và truyền thông quốc tế mắc bẫy như thế nào?

Hoài Thanh (Theo Asia Sentinel)