Thanh Hóa ứng dụng hiệu quả khoa học vào sản xuất

Từ đầu năm đến nay, Sở Khoa học và công nghệ Thanh Hóa đã nghiệm thu 13 nhiệm vụ khoa học và công nghệ và đều được nhanh chóng ứng dụng rộng rãi vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo ra những sản phẩm chủ lực mang tính cạnh tranh cao, giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình mở rộng sản xuất.

 

Phục tráng thành công giống cói bông trắng


"Nghiên cứu phục tráng giống cói bông trắng tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa" là đề tài do Sở khoa học và Công nghệ Thanh Hóa phối hợp với trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội triển khai từ năm 2008, đến nay đã đạt được kết quả khả quan với việc tuyển chọn được giống cói bông trắng dạng đứng có độ thuần cao để đưa vào phục tráng. Đề tài cũng xây dựng được bản hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc giống cói bông trắng và xây dựng được vườn ươm cây giống có diện tích 500 m2 và tập đoàn cây giống gốc để lưu giữ.


 

Thu hoạch cói ở xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Trên địa bàn huyện Nga Sơn có 2 giống cói phổ biến đã gắn bó lâu đời là cói bông nâu và cói bông trắng, trong đó cây cói bông trắng có nhiều ưu điểm như năng suất cao, phẩm chất tốt hơn cói bông nâu, quá trình sinh trưởng, phát triển lại thích hợp với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Nga Sơn.


Đặc biệt cói bông trắng có nhiều ưu thế vượt trội so với giống cói khác như: thân cói màu xanh, khi chẻ đem phơi sợi cói trắng, óng mượt, dẻo, dai, đẹp và bền, giữ màu tốt nên khách hàng rất ưa chuộng những sản phẩm làm từ loại cói này.


Tuy nhiên, trong nhiều năm qua do tác động của thị trường tiêu thụ không ổn định, người trồng cói không mặn mà với cây cói, quy trình trồng và chăm sóc không đảm bảo kỹ thuật khiến cho các giống cói ở Nga Sơn bị thoái hóa nghiêm trọng.


Để bảo tồn và phát triển nghề trồng cói và chế biến cói, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa và Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã chọn 6 xã có kinh nghiệm trồng và thâm canh cói giỏi để thực hiện đề tài. Ông Mai Văn Ban, hộ trồng cói ở xã Nga Thái cho biết: Thực hiện dự án phục tráng giống cói bông trắng, chúng tôi được hỗ trợ 8 triệu đồng/ha, bà con được tham gia các lớp tập huấn tiếp nhận kỹ thuật thâm canh mới. Thế mạnh của cây cói này là năng suất cao, ít sâu bệnh, không bị nhuốm vàng khi trời mưa nhiều.


Năm nay, thời tiết thuận lợi, lại được chăm bón tốt nên năng suất bình quân cao hơn mọi năm, đạt 5 tạ/sào. Giá cói 10-12 nghìn đồng/kg, thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/sào. Kinh tế gia đình tôi cũng ổn định hơn nhiều.


Đề tài “Phục tráng cói bông trắng” đã giúp bà con nông dân vùng cói Nga Sơn từng bước nâng cao kỹ thuật thâm canh, năng suất cây cói tăng nhanh. Sau gần 4 năm thực hiện, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế và xã hội.


Tại các xã Nga Thanh, Nga Liên, Nga Thủy diện tích cói bông trắng đã được mở rộng trên 90%, các xã Nga Thái, Nga Tiến, Nga Tân; diện tích cói bông trắng cũng đã chiếm 70% trong tổng diện tích trồng cói. Hiện nay, diện tích cói ở Nga Sơn đã đạt 3.255 ha, năng suất 78 tạ/ha/năm, tổng sản lượng hơn 22.588 tấn/năm. Kết quả của đề tài có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nghề trồng cói, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề thủ công chế biến cói ở huyện Nga Sơn và các vùng ven biển Thanh Hóa.

 

Nhiều đề tài cùng được ứng dụng


Tiêu biểu phải nói đến đề tài “Nghiên cứu, lựa chọn cây dược liệu quý hiếm xây dựng vườn trình diễn dược liệu, xây dựng xưởng chế biến thuốc theo mô hình khép kín tại Trung tâm Nuôi cấy Mô thực vật Thanh Hóa”. Qua đó đã chọn và trồng được vườn dược liệu an toàn gồm 5 giống cây thuốc quý là cây Sinh Địa, Xuyên Tâm Liên, Huyền Xâm, Ngưu Tất và cây Bạch Chỉ theo hướng GACP-WHO với quy mô 1ha; xây dựng và đưa vào hoạt động xưởng chế biến thuốc Đông dược quy mô 1.000 m2 theo hướng GMP. Đề tài này sau khi ứng dụng đã sản xuất thành công 1 vạn sản phẩm của 3 loại thuốc sạch (Hoàn sinh lực, Thập hoàng hoàn, Hầu tê hoàn) đảm bảo chất lượng theo quy định được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Kết quả của đề tài góp phần tạo ra nguồn dược liệu an toàn cho sản xuất, bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm của đất nước, đồng thời khẳng định việc nuôi trồng dược liệu an toàn theo hướng GACP-WHO, mở ra hướng mới cho việc trồng dược liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu.


Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Chẽm phù hợp với điều kiện tại Thanh Hóa” thành công với việc sản xuất giống cá Chẽm chất lượng cao phục vụ nuôi thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, phù hợp với môi trường khí hậu địa phương, dễ nuôi hơn hẳn so với cá giống đưa ở địa bàn ngoại tỉnh về.


Dự án đã xây dựng được quy trình kỹ thuật và đã sản xuất 1 triệu con cá bột; hiện ươm nuôi 360.000 con cá giống cỡ 3-5 cm; nuôi thương phẩm 1 ha, năng suất 10,2 tấn/ha; đào tạo được 5 cán bộ, công nhân kỹ thuật nắm vững quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo giống và nuôi thương phẩm cá Chẽm. Kết quả của dự án giúp cho doanh nghiệp, hộ gia đình giảm chí phí và tăng thêm thu nhập đáng kể.


Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp chống thoái hóa, phục hồi và phát triển bền vững rừng luồng tại Thanh Hóa” thuộc Chương trình các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết, mới phát sinh ở địa phương. Kết quả nghiên cứu đề tài đã đánh giá được thực trạng và xác định được nguyên nhân thoái hóa của rừng luồng; xây dựng tiêu chí và bảng phân loại mức độ thoái hóa, cũng như xây dựng được bản hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và phòng chống, phục hồi lại rừng luồng, đang được nhiều hộ dân tại các huyện Như Xuân, Mường Lát, Ngọc Lặc... ứng dụng, bước đầu phục hồi, ngăn ngừa được hiện tượng thoái hóa của những diện tích chuyên canh luồng tại tỉnh.


Theo nhận xét của Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa, Mai Nhữ Thắng: Nhờ xác định hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng ứng dụng nhanh hơn, hiệu quả hơn các tiến bộ khoa học công nghệ vào đời sống và sản xuất nên Thanh Hóa luôn ưu tiên đầu tư cho những đề tài, dự án mang tính khả thi cao, đang là vấn đề cấp thiết mà doanh nghiệp và người sản xuất đặt ra đối với công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Mặc dù kinh phí sự nghiệp khoa học năm nay chỉ được duyệt gần 37 tỷ đồng, nhưng vẫn có 32/46 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp kinh phí để triển khai thực hiện; 12/46 nhiệm vụ khác đang hoàn thành các thủ tục để trình cấp kinh phí.


Khó khăn nhất hiện nay của Thanh Hóa là công tác quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn cấp huyện, vì toàn bộ các huyện, thị xã, thành phố hiện vẫn chưa có cán bộ chuyên trách quản lý về công tác này, dẫn đến hiệu quả ứng dụng một số đề tài, dự án chưa được nhân rộng đúng như yêu cầu đề ra.



Văn Hào - Trịnh Duy Hưng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN