Tạo bước đột phá cho khoa học và công nghệ

Sau 16 năm Nghị quyết Trung ương 2 đi vào cuộc sống, lĩnh vực khoa học - công nghệ (KH&CN) nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống, đưa nước ta từ một nước kém phát triển gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình.

 

Sinh viên Khoa Hóa của Đại học KHTN làm thí nghiệm tổng hợp hữu cơ.

 

“Những thành tựu to lớn đạt được trong hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước có vai trò quan trọng của KH&CN” - Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhận định.

 

Bước tiến dài trong phát triển tiềm lực KH&CN


Tiềm lực KH&CN của đất nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển nhanh về số lượng với trên 4,2 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có hơn 24.000 tiến sỹ, 101.000 thạc sỹ, tăng 4,6 lần so với năm 1996. Số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt trên 62.000 người, tăng 3 lần so với năm 1996. Đặc biệt, đã xuất hiện lớp cán bộ KH&CN trẻ được đào tạo bài bản tại nhiều quốc gia tiên tiến về KH&CN và giàu nhiệt huyết với đất nước. Cả nước có trên 1.600 tổ chức KH&CN, tăng 8 lần so với năm 1996, trong đó các tổ chức ngoài công lập có xu hướng ngày càng gia tăng. Loại hình tổ chức KH&CN mới là doanh nghiệp KH&CN đã được hình thành, có triển vọng trở thành lực lượng sản xuất đi đầu trong ứng dụng KH&CN ở các ngành, các lĩnh vực…


Đặc biệt, từ năm 2000, Luật KH&CN được Quốc hội thông qua đã đưa tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho KH&CN hàng năm đạt 2%, tốc độ tăng trung bình đạt 16,5%/năm. Điều này đã bước đầu tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, xây dựng và nâng cấp các phòng thí nghiệm, đào tạo nhân lực KH&CN trình độ cao và triển khai nhiệm vụ KH&CN các cấp phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải cho rằng: “Quyết định của Quốc hội, Trung ương Đảng từ năm 2000 đầu tư 2% ngân sách cho KH&CN là quyết định mang tính chất đột phá đã tạo điều kiện nhất định đưa nền khoa học và công nghệ nước ta ngày càng phát triển”…


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động KH&CN vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và trị trí quốc sách hàng đầu, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục được tình trạng tụt hậu so với khu vực và thế giới. Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng chỉ rõ những nguyên nhân đang cản trở sự phát triển KH&CN. Đó là, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về KH&CN chậm được quán triệt và tổ chức thực hiện; công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển của KH&CN cũng như sự chuyển đổi của nền kinh tế; chính sách sử dụng, trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN chưa thỏa đáng; phương thức đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN còn nhiều bất cập…

 

Đặt trọng tâm vào phát triển KH&CN


Phát triển dựa vào KH&CN, nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế tri thức là con đường tất yếu để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.


Chặng đường hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã cho thấy những thành tựu Việt Nam đạt được chủ yếu do các cải cách đột phá trong cơ chế quản lý, xóa bỏ các rào cản, giải phóng lực lượng sản xuất. “Giờ đây, khâu đột phá phải đặt trọng tâm vào phát triển KH&CN và chỉ dựa vào KH&CN hiện đại chúng ta mới có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế - xã hội theo chiều sâu, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững. Từ đó thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và vươn lên gia nhập khối các quốc gia phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.


Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nhiều quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH&CN của Nghị quyết Trung ương 2 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, định hướng phát triển KH&CN trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện bằng được quan điểm lớn, quan trọng đã được đề ra là: phát triển KH&CN cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất bảo đảm thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…


Trong thời gian tới, Việt Nam đề ra mục tiêu có nền KH&CN phát triển nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, một số lĩnh vực KH&CN đạt trình độ tiên tiến thế giới, tiềm lực KH&CN đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại… Để đến năm 2020, hoạt động KH&CN thông qua yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%/năm; giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình 15-17%. Đặc biệt, tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020 (hiện nay tổng đầu tư của toàn xã hội vào KH&CN chỉ đạt khoảng 1% GDP); bảo đảm mức đầu tư cho KH&CN đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm.


Việc Hội nghị Trung ương 6 khóa XI bàn và cho ý kiến và Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, để ban hành một Nghị quyết mới về KH&CN với một hệ quan điểm mới và tư duy mới, sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở, dành ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực để phát triển KH&CN làm động lực quan trọng nhất trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…


Nguyễn Bích Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN