Theo nghiên cứu Chít công bố trên tạp chí Neuron, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y khoa Irving thuộc Đại học Columbia (CUIMC) và Đại học California San Francisco (UCSF) của Mỹ đã tiến hành nghiên cứu nhằm tìm hiểu xem bộ phận nào của não bộ mã hóa các thông tin cảm xúc tạo thành cảm giác lo lắng.
Các nhà nghiên cứu sử dụng một công nghệ được gọi là quang di truyền học để kiểm soát mức độ hoạt động của các tế bào kiểm soát hành vi của chuột. Nhờ đó, các nhà khoa học phát hiện ra một loại tế bào trong đồi hải mã, bộ phận kiểm soát tâm trạng và hình thành ký ức có ở cả người lẫn chuột, chỉ sáng lên khi những con chuột bị đặt vào nơi khiến chúng sợ hãi.
Gọi chúng là những tế bào lo lắng, Giáo sư Rene Hen của CUIMC cho biết khi bị kích hoạt, những tế bào này gửi một thông điệp đến các phần khác của não bộ dẫn đến các phản ứng lo lắng như tránh khu vực nguy hiểm hay chạy đến những khu vực an toàn.
Đồng tác giả nghiên cứu, trợ giảng Mazen Kheirbek của UCSF cho biết phát hiện này rất thú vị vì nó cho thấy một chuỗi các phản ứng hóa sinh nhanh và trực tiếp trong não bộ, cho phép chuột phản ứng với những nơi gây cảm giác lo lắng mà không cần phải đi qua các vùng não bộ lệnh chỉ huy cao hơn.
Phát hiện này hé lộ những kiến thức mới về chứng rối loạn tâm thần ở người, căn bệnh gây ra do lo lắng trong thời gian dài, và mở ra cơ hội tìm ra cách chữa trị mới cho căn bệnh.