Khí đồng hành đang 'giết chết' bầu khí quyển

Ngày 6/7, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phát tín hiệu báo động về lượng khí đồng hành khổng lồ bị đốt cháy trong quá trình khai thác dầu khí trên thế giới.


 

Khí đồng hành bị đốt bỏ ở Iraq. Ảnh internet


 

Theo số liệu vệ tinh mới nhất của WB, lượng khí đồng hành bị đốt cháy tăng từ 138 tỷ m3 năm 2010 lên 140 tỷ m3 năm 2011 cho thấy các nỗ lực giảm lượng khí bị đốt cháy vô ích và tạo nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã không thành công. Lượng khí đồng hành bị đốt không giảm mà lại tăng lên chủ yếu do Nga, Cadắcxtan, Vênêxuêla tăng sản lượng khai thác dầu lửa và Mỹ khai thác mỏ đá dầu ở bang Bắc Đacôta (Dakota) của nước này.


Đối tác “Giảm đốt cháy khí đồng hành toàn cầu” (GGFR) của WB nhấn mạnh tuy mức 140 tỷ m3 của năm  2011 chưa tác động lớn đến mục tiêu giảm 20% lượng khí đồng hành bị đốt cháy từ mức 172 tỷ m3 năm 2005 nhưng mức tăng 2 tỷ m3 trong vòng 1 năm đã là tín hiệu đáng báo động về nguy cơ mọi nỗ lực trong nhiều năm qua có thể bị đảo ngược nếu các nước và các công ty khai thác dầu không tăng cường các nỗ lực giảm đốt khí đồng hành của họ. Lượng khí đồng hành bị đốt cháy đã được giảm kể từ năm 2005 đến nay đã làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tương đương với lượng khí thải của 16 triệu ôtô.


GGFR kêu gọi các nước và các công ty khai thác dầu cần tận dụng lượng khí đồng hành hiện đang bị đốt cháy lãng phí vào các nhu cầu năng lượng. Nga đứng đầu thế giới về đốt cháy lượng khí đồng hành lớn nhất, sau đó lần lượt là là Nigiêria , Iran, Irắc và Mỹ. Các số liệu vệ tinh mới nhất cho thấy Nigiêria, Angiêri, Mêhicô và Cata đã có nhiều tiến bộ trong nỗ lực giảm đốt khí đồng hành .


Giám đốc về năng lượng bền vững của WB, Vigiay Aiơ (Vijay Iyer), nêu rõ rằng bằng việc giảm đốt cháy khí đồng hành, các nước sản xuất dầu đang cải thiện hiệu quả năng lượng và kiềm chế tốc độ biến đổi khí hậu. Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này, thế giới cần phát triển cơ sở hạ tầng và các thị trường khí đốt để tận dụng nguồn khí đồng hành vào sản xuất điện và cung cấp nguồn nhiên liệu sạch hơn cho các hộ gia đình. 140 triệu m3 khí đồng hành bị đốt cháy trong năm 2011 đã tạo ra 360 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính tương đương với lượng khí thải của 70 triệu ô tô./.


Khí đồng hành (tiếng Anh: associated gas) là khí tự nhiên được tìm thấy cùng dầu thô, có thể ở dạng hoà lẫn với dầu thô hoặc tạo thành không gian phía trên lớp dầu thô trong mỏ dầu.


Khí đồng hành khi được tách khỏi dầu thô là hỗn hợp chủ yếu gồm etan (C2H6), propan (C3H8), butan (C4H10) và pentan (C5H12). Ngoài ra còn những tạp chất không mong muốn như nước, sulfua hiđrô (H2S), CO2, Helium (He), Nitơ (N2) và một số tạp chất khác.


Trong quá khứ loại khí này là thành phần không mong muốn và thường bị đốt bỏ. Kể cả tới năm 2003, việc đốt bỏ vẫn ở khối lượng lớn, hàng ngày có đến 10-13 tỷ feet khối trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với tiến bộ của công nghệ, giá thành dầu thô và khí tự nhiên tăng lên và các ứng dụng của khí tự nhiên trở nên phổ biến, khí đồng hành được tận dụng và trở thành nguồn nguyên liệu mang lại hiệu quả cao.


Năm 1947, ở Mỹ, hàng ngày khoảng 3 tỷ feet khối khí đồng hành bị đốt bỏ; đến năm 2002, con số này giảm 13 lần trong khi sản lượng khai thác cao hơn năm 1947 .  Nigeria là quốc gia có trữ lượng khí tự nhiên rất lớn, chiếm 30% trữ lượng toàn Châu Phi. Tuy vậy 75% khí đồng hành ở các mỏ dầu thường bị đốt bỏ một cách lãng phí. Chính phủ Nigeria đã ra một đạo luật quy định đến năm 2008, khí đồng hành sẽ không bị đốt nữa, các hãng dầu khí có trách nhiệm lắp đặt các thiết bị xử lý khí để tận dụng nguồn tài nguyên này.


Theo Wikipedia.org

TTXVN/Tin Tức


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN