Hành tinh nhỏ nhất hệ Mặt Trời đang dần co lại

Các nhà khoa học cho biết Sao Thủy, hành tinh nhỏ nhất trong hệ Mặt Trời và gần Mặt Trời nhất, đang dần co lại.

Chú thích ảnh
Sao Thủy. Ảnh: Pixabay

Đài Sputnik (Nga) dẫn nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nature Geoscience cho biết Sao Thủy - hành tinh nhỏ bé đầy đá - đã xuất hiện những “vết nhăn nheo” mới trên bề mặt.

Theo các nghiên cứu trước đây, khi Sao Thủy nguội đi kể từ thời kỳ hình thành cách đây 4,6 tỷ năm, đường kính của hành tinh này đã co lại khoảng 7 km. Quá trình tương tự đã diễn ra trên Mặt Trăng của Trái Đất, nơi có nhiều điểm tương đồng với Sao Thủy.

Giống như Trái Đất và các hành tinh đá khác, Sao Thủy có lớp vỏ đá mỏng bên ngoài lớp phủ nóng chảy và bên trong là lõi kim loại. Tuy nhiên, khác với Trái Đất, Sao Thủy không có các mảng kiến ​​tạo mà có lớp vỏ đá silicat tạo thành lớp vỏ. Lớp vỏ này có xu hướng bị nứt và nhăn nheo khi chịu áp lực, tạo thành những vết nứt chạy ngoằn ngoèo hàng trăm km trên bề mặt của hành tinh này.

Các nhà khoa học ước tính một số vết nứt đó khoảng 3 tỷ năm tuổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng thời gian hình thành nhiều vết nứt trong số đó ngắn hơn nhiều, cho thấy quá trình đó vẫn đang diễn ra.

Một trong những người phát hiện ra hiện tượng này là ông Ben Man, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Mở ở Anh. Ông nhận thấy các vết này đó đã bị nứt theo những cách khác thường, cho thấy lớp vỏ của Sao Thủy đã bị kéo giãn ở một số nơi dọc theo các đường đứt gãy.

Những vết nứt này được gọi là “địa hào” vì chúng giống với các cấu trúc trên Trái Đất. Một số vết nứt chỉ rộng 1 km và sâu 100 mét, điều này cho thấy chúng có tuổi ít hơn nhiều so với các vết nứt lớn hơn gần đó.

Ông David Rothery, Giáo sư khoa học địa chất hành tinh tại Đại học Mở, tác giả của một bài báo mới khám phá quá trình co lại của Sao Thủy, giải thích: “Các vết nứt dài có vẻ đáng ngạc nhiên trên Sao Thủy, nơi mà lớp vỏ tổng thể đang bị nén lại. Nhưng ông Man nhận ra rằng các địa hào sẽ hình thành nếu lớp vỏ bị uốn cong khi bị đẩy qua địa hình lân cận. Nếu bạn cố gắng uốn cong một miếng bánh mì nướng, miếng bánh mì có thể bị nứt theo cách tương tự”.

Do các “địa hào” lộ ra ngoài và không bị chôn vùi bởi các mảnh vụn khác của lớp vỏ hay tác động của thiên thạch, nên các nhà khoa học ước tính chúng có niên đại khoảng 300 triệu năm tuổi.

Hành tinh nhỏ bé Sao Thủy, có quỹ đạo chỉ bằng 1/3 khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất, là hành tinh vô cùng khắc nghiệt. Phía đối diện với Mặt Trời vô cùng nóng, trong khi phía quay mặt ra xa thì vô cùng lạnh giá.

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo Sputnik )
Hầu hết các giới hạn của hành tinh đã bước sang màu đỏ
Hầu hết các giới hạn của hành tinh đã bước sang màu đỏ

Nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế cho thấy hoạt động và sự thèm ăn của con người đã làm suy yếu khả năng phục hồi của Trái Đất, đến mức vượt xa "ngưỡng an toàn" vốn đảm bảo hành tinh của chúng ta là môi trường phù hợp để hầu hết các loài, bao gồm cả con người, có thể tồn tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN