Gặp gỡ robot biết ‘đổ mồ hôi’, đo lường tác động của biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học Mỹ đã phát minh ra một loại "robot cảm ứng nhiệt" gọi là ANDI có thể tự đổ mồ hôi và làm mát “cơ thể” trong điều kiện thời tiết nóng.

Với đặc điểm đồ mồ hôi, các công ty đang tìm cách thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa con người và robot, để từ đó tăng thêm giá trị cho robot.

Bằng cách sử dụng những robot có thể đi lại, hít thở và đổ mồ hôi, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ xác định được các cách để đảm bảo an toàn cho con người trong môi trường nhiệt độ cao.

Xem thí nghiệm với ANDI (nguồn: Reuters):

Theo ấn phẩm chuyên sâu về công nghệ Giant Freakin Robot của Mỹ, những robot này có thể xác định các tác nhân cụ thể trong điều kiện nhiệt độ cao có khả năng gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là tại các thành phố.

Là một sản phẩm của các nhà nghiên cứu tại đại học bang Arizona (ASU) và được tài trợ bởi chương trình Cơ sở hạ tầng, Sức khỏe và Thịnh vượng hàng đầu của Quỹ Khoa học Quốc gia, robot “đổ mồ hôi” ANDI được thiết kế với một hệ thống làm mát bên trong. Điều này khiến nó trở thành công cụ lý tưởng cho việc sử dụng ngoài trời thay vì bị kiểm soát trong môi trường phòng thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu muốn sử dụng những robot như ANDI để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nhiệt đối với cơ thể con người. Nhờ có 35 diện tích bề mặt riêng biệt được điều khiển bởi các cảm biến nhiệt độ, cảm biến dòng nhiệt và các lỗ thoát mồ hôi, robot có thể tái tạo các chức năng và biểu hiện liên quan đến nhiệt của cơ thể con người. Hơi thở của ANDI thậm chí có thể “nặng nề” khi gặp nhiệt độ cao.

Vì con người không thể chịu đựng trước một nhiệt độ quá cao để thử nghiệm nên robot là lựa chọn khả thi hơn. Trong một dự án sắp tới, ANDI sẽ làm việc với MaRTy, robot nhiệt khí tượng sinh học của ASU, giúp các nhà nghiên cứu hiểu sâu hơn về cách con người đổ mồ hôi.

Konrad Rykaczewski, Giáo sư kỹ thuật cơ khí tại ASU kiêm nghiên cứu chính của dự án, lý giải: “Bạn không muốn thực hiện nhiều thử nghiệm liên quan đến nhiệt độ với người thật. Đó là phi đạo đức và sẽ rất nguy hiểm. Trong 20 năm tới, nhiệt độ cao nhất hiện nay sẽ trở thành nhiệt độ trung bình ngày”.

ANDI sẽ không chỉ được sử dụng để đo lường mức độ tổn thất của cuộc sống và sức khỏe con người dưới nhiệt độ khắc nghiệt mà các nhà nghiên cứu cũng hy vọng tìm ra những cách giảm nhiệt mới với sự trợ giúp của robot.

"Có lẽ việc ở dưới bóng râm thêm 15 phút hay xịt nước vào người đều là cách hay cân thử nghiệm. Hay có thể đó là một bộ quần áo đặc biệt nào đó. Chúng tôi xem xét bất cứ ý tưởng nào có thể giúp ích. Và chúng tôi cần phải thử nghiệm ở bên ngoài”, ông Konrad nói thêm.

Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng ANDI sẽ có các "cơ quan" nội tạng được mô phỏng theo cơ thể con người, từ đó cung cấp thêm một số thông tin chi tiết về các trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt độ cao.

“Có những trường hợp có người chết vì nóng nhưng chúng tôi vẫn chưa hiểu hết chuyện gì đã xảy ra. ANDI có thể giúp chúng tôi tìm ra điều đó”, đồng nghiên cứu dự án Jennifer Vanos, Phó Giáo sư chuyên về tính bền vững tại ASU, cho hay.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Chính phủ Nhật Bản kêu gọi Tokyo tiết kiệm điện trước đợt nắng nóng đỉnh điểm
Chính phủ Nhật Bản kêu gọi Tokyo tiết kiệm điện trước đợt nắng nóng đỉnh điểm

Chính phủ Nhật Bản ngày 9/6 đã kêu gọi các gia đình và các ngành công nghiệp khu vực thủ đô Tokyo tiết kiệm điện trong tháng 7 và tháng 8 để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định trong mùa hè cao điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN