Đến 2015 có ít nhất 80 DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 1895/QĐ - TTg ngày 17/12/2012 về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, hình thành và phát triển ít nhất 80 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm; giai đoạn 2016 - 2020 là 200 doanh nghiệp.


 

Trang trại chăn nuôi gà giống và gà đẻ trứng thương phẩm công nghệ cao của công ty TNHH Ba Huân (Bình Dương). Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

 

Mục tiêu của chương trình nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 3,5%; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.


Chương trình phấn đấu đến năm 2015 bước đầu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để tạo ra và đưa vào sản xuất được 1 - 2 giống mới cho mỗi loại cây trồng nông lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản. Mục tiêu là các loại sản phẩm ứng dụng công nghệ cao sẽ có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt vượt trội.


Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và an toàn; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Hình thành và phát triển ít nhất 80 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng 3 - 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp và 1 - 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm.


Giai đoạn 2016 - 2020, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước; hình thành và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm...


Để đạt được các mục tiêu trên, chương trình sẽ tập trung vào việc phát triển: công nghệ chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao; công nghệ trong phòng, trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi và thủy sản; công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao; tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị mới sử dụng trong nông nghiệp; công nghệ trong bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi; nhập khẩu và làm chủ công nghệ cao trong nông nghiệp.


Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tập trung: xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...


Nguồn vốn thực hiện chương trình được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn khác theo quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

 

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN