Có thể thu được hàng trăm MW điện/năm từ vỏ trấu

Qua khảo sát, tỉnh An Giang có hơn 700.000 tấn trấu/năm sau khi xay xát gạo. Cứ 5kg trấu tạo ra 1 kW điện.

Từ ngày 29/2 đến ngày 2/3, đoàn công tác của thành phố Pitea (Thụy Điển) do Thị trưởng Peter Roslund dẫn đầu đã đến làm việc với tỉnh An Giang.

Ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hai bên đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch hành động “Tận dụng chất thải từ cây lúa (giai đoạn 2015 – 2017), do Pitea tài trợ cho tỉnh.

Ảnh minh họa.

Bà Phạm Ngọc Xuân, Giám đốc Ban quản lý dự án An Giang - Thụy Điển, cho biết, qua khảo sát, tỉnh An Giang có hơn 700.000 tấn trấu/năm sau khi xay xát gạo. Cứ 5kg trấu tạo ra 1 kW điện. Như vậy, An Giang có thể thu được hàng trăm MW điện/năm. An Giang hiện đã có hai dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện từ trấu công suất 10 MW.

Theo ý kiến của các thành viên Ban quản lý dự án, hiện nay, trấu đang được sử dụng lãng phí để làm chất đốt trong nấu ăn, nung gạch... Số còn lại thải ra làm ô nhiễm môi trường sống. Do vậy, nguồn trấu thu được trong nông nghiệp cần được chế biến thành trấu viên làm nguyên liệu cho các nhà máy củi trấu. Đây sẽ là mô hình phổ biến trong tương lai.

Bà Xuân cho biết thêm, mô hình tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa để trồng nấm rơm và dùng để nuôi bò đã có kết quả tích cực. Việc thay đổi tập quán sản xuất đốt đồng sau thu hoạch một vụ lúa và chuẩn bị cho sản xuất vụ sau đang gây ô nhiễm môi trường; gây lãng phí và làm giảm độ màu mỡ của đất. Thay vào đó, nên tận dụng nguồn rơm để làm kinh tế gia đình.

Với mô hình sử dụng máy cuốn rơm thành cuộn phục vụ cho nghề trồng nấm, trồng màu và chăn nuôi bò, rơm sẽ được thu thành cuộn khoảng 20 kg, với giá bán khoảng 25.000 đồng/cuộn. Sau khi trừ chi phí, bà con có thể thu lợi nhuận từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/ha. Theo tính toán của nông dân đang thực hiện mô hình trồng nấm rơm, từ lúc ủ rơm, cho meo vào chất đến khi thu hoạch nấm đạt khoảng 20 ngày. Hiện giá nấm rơm tươi tiêu thụ khá cao, từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg (nấm loại 1). Như vậy, mỗi ha trồng nấm, sau khi trừ hết chi phí như meo giống, rơm, công lao động... người trồng có thể thu lợi nhuận từ 50 triệu đến 70 triệu đồng.

Việc tận dụng nguồn rơm để nuôi bò rất phổ biến ở tỉnh An Giang, vào thời điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân hàng năm, với điều kiện thời tiết khô ráo, ít mầm bệnh, rất thích hợp lấy nguồn rơm dự trữ làm thức ăn cho bò. Nuôi bò bằng nguồn rơm chi phí đầu tư rất thấp, với 6 đến 7 công rơm, có thể nuôi từ 2 đến 3 con bò thịt.

Ban Quản lý dự án An Giang – Pitea (Thụy Điển) thống nhất kế hoạch hoạt động năm 2016; trong đó, hợp phần triển khai 3 chương trình trình diễn về sử dụng phụ phẩm từ cây lúa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống đối với khoảng 20 người/chương trình. Ngoài ra, sẽ tập huấn nâng cao năng lực cho các nhà máy xay xát lúa về sử dụng trấu, rơm rạ như nhiên liệu.

Trên tinh thần hợp tác, UBND tỉnh An Giang cùng với chính quyền thành phố Pitea (Thuỵ Điển) sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp An Giang tham gia Hội chợ thương mại Nolia tại Thụy Điển (từ ngày 10/8 đến 13/8/2016). Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tại tỉnh thực hiện xúc tiến, giới thiệu sản phẩm sang thị trường châu Âu, đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa, ẩm thực, vùng đất và con người An Giang.

Vương Thoại Trung (TTXVN)
Nghiên cứu điều chế thủy tinh lỏng từ tro trấu
Nghiên cứu điều chế thủy tinh lỏng từ tro trấu

Nhóm sinh viên Khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Huế vừa thành công với đề tài "Nghiên cứu điều chế thủy tinh lỏng từ tro trấu", đoạt giải nhất "Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam" năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN