Xu hướng khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực tài chính

Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) và Quỹ đầu tư Dragon Capital phối hợp tổ chức hội thảo "Công nghệ tài chính: Thách thức và cơ hội". Hội thảo thu hút hơn 150 đại diện từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước...

Tại buổi hội thảo, ACCA công bố kết quả khảo sát với tên gọi "Công nghệ tài chính – Chuyển đổi tài chính", trong đó chỉ ra các ảnh hưởng của công nghệ tài chính trên tài chính và ngân hàng được xem như tạo ra cuộc cách mạng trong ngành nghề, dẫn đến những chuyển đổi cơ bản, từ cách thức làm việc, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp và các chuyên gia hành nghề trong mọi lĩnh vực cho tới đời sống hằng ngày.

Quang cảnh của hội thảo.

Ông Dominic Scriven OBE, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ:“Mặc dù cộng đồng công nghệ tài chính tại Việt Nam còn non trẻ, tuy nhiên cũng đang sôi động nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Dragon Capital đã đóng góp vai trò chủ động thông qua Câu lạc bộ Công nghệ tài chính Việt Nam và mới đây là Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA). Chúng tôi mong được hỗ trợ và làm việc với các tổ chức và các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start Up) về công nghệ tài chính (Fintech) nhằm cải tiến lĩnh vực dịch vụ tài chính”.


Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn công nghệ thông tin tại PwC Việt Nam nhận định: "Fintech chứa đựng nhiều cơ hội mới đang chờ được khám phá. Khảo sát Fintech Toàn cầu do PwC công bố vào năm 2016 cho thấy việc hợp tác với các công ty Fintech có thể giúp các doanh nghiệp cùng ngành nghề nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng cung cấp sản phẩm mới khác biệt, giữ chân khách hàng tốt hơn và tạo ra thêm doanh thu. Cụ thể, có đến 74% các định chế chuyển nguồn tài chính và thanh toán cho rằng doanh thu tăng thêm là một cơ hội do Fintech mang đến. Tích hợp Fintech vào hoạt động kinh doanh sẽ đi đôi với các thách thức. Một trở ngại mà các công ty Fintech và các doanh nghiệp đang đối mặt là sự không tương xứng về luật định. Fintech là một thách thức của các nhà làm luật, bởi nguy cơ tạo ra một sân chơi không công bằng giữa Fintech và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống. Vì thế, các công ty non trẻ này sẽ luôn phải cố gắng thích ứng với môi trường pháp lý phức tạp và thay đổi không ngừng, hoàn thiện quy trình tuân thủ nhằm khẳng định tư cách tuân thủ luật định của họ".


Bà Faye Chua, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Khảo sát, ACCA, chia sẻ:  Sự trỗi dậy của Fintech mang lại tín hiệu tốt cho việc cải tiến ngành nghề và là chọn lựa của người tiêu dùng. Mặc dù Fintech cũng là nguyên nhân gây ra gián đoạn kỹ thuật số đáng kể đối với nền tài chính toàn cầu trong gần một thập kỷ vừa qua, lĩnh vực này vẫn đang cần sự hướng dẫn mạnh mẽ để vượt qua những rào cản pháp lý.


"Trong khi quy mô chuyển đổi rất khó dự đoán, không có điều gì nghi ngờ sự ảnh hưởng của Fintech thông qua các chức năng tài chính truyền thống sẽ đáng kể. Các ngân hàng đã thực hiện các cuộc khảo sát và đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh từ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này là tín hiệu tốt cho người tiêu dùng và các công ty, khi bùng nổ các lựa chọn trong một ngành nghề bảo thủ truyền thống mang lại những hình thái kinh doanh mới xoay quanh nhu cầu chuyên biệt của người tiêu dùng", bà Faye Chua nhấn mạnh.

PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN