Vệ tinh siêu nhỏ Việt Nam lên vũ trụ

Ngày 4/8, tàu vũ trụ vận tải không người lái HTV4 của Nhật Bản đã rời bệ phóng mang theo hàng hóa cùng 4 vệ tinh lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trong đó có vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon của Việt Nam và một chú rôbốt biết nói.

Tên lửa đẩy H-2B rời bệ phóng Yoshinobu. Ảnh: AFP/TTXVN


Bước trưởng thành

Theo Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), con tàu được phóng vào lúc 4h 48 phút giờ Nhật Bản (tức 2 giờ 48phút giờ Việt Nam) tại trung tâm vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản.

Vệ tinh Pico Dragon của Việt Nam có nhiệm vụ chụp ảnh Trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh bằng các cảm biến, thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất. Theo VNSC, toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh Pico Dragon, từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm, đều được thực hiện ở trong nước.

Việc đưa thành công vệ tinh này lên vũ trụ đã đánh dấu một bước trưởng thành của các kỹ sư nước nhà trong nỗ lực tự nghiên cứu và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất.

Theo nhóm thực hiện, ngoài những nỗ lực của tập thể cán bộ VNSC, dự án đã nhận được sự hỗ trợ quý báu từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Cục Tần số Vô tuyến điện Việt Nam, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, Đại học Tokyo.

Trước đó, với sự hỗ trợ từ Nhật Bản, VNSC đã tiến hành các thử nghiệm rung động và thử nghiệm nhiệt tại phòng thí nghiệm Đại học Tokyo và một số thử nghiệm khác tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ JAXA (Nhật Bản) nhằm đáp ứng điều kiện môi trường vũ trụ trước khi phóng vệ tinh. Với kết quả thử nghiệm, JAXA đã xác nhận vệ tinh Pico Dragon đạt đầy đủ điều kiện để đưa lên ISS bằng tàu vận tải HTV4.

Cùng ngày, hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn của JAXA cho biết quá trình phóng tên lửa đã diễn ra theo đúng kế hoạch. 15 phút sau khi rời bệ phóng, tàu vận tải HTV4 đã tách khỏi tên lửa đẩy H-2B bay hướng về ISS như dự kiến.

Robot biết nói

Ngoài vệ tinh Pico Dragon, trong chuyến bay lần này còn có 3 vệ tinh siêu nhỏ khác của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Dự kiến, tàu HTV4 sẽ đến ISS vào ngày 9/8 tới, mang theo nước uống, lương thực, quần áo và các trang thiết bị để cung cấp cho 6 phi hành gia đang làm việc trên trạm vũ trụ này.

Robot biết nói Kirobo. Ảnh: AFP/TTXVN


Đặc biệt, trong chuyến bay lần này còn có người máy (robot) biết nói mang tên Kirobo, được đưa lên làm bạn đồng hành với nhà du hành người Nhật Koichi Wakata- người sẽ bay lên ISS vào cuối năm nay. Chú robot này cao 34 cm và nặng khoảng 1kg, được lập trình để giao tiếp bằng tiếng Nhật.

Người chế tạo ra Kirobo, ông Tomotaka Takahashi cho biết con robot màu đen trắng này đã được ghi nhớ khuôn mặt của phi hành gia Wakata và có thể nhận ra ông khi gặp nhau tại ISS. Kirobo còn có khả năng cử động cơ thể rất linh hoạt và sẽ tham gia một số nhiệm vụ như mang thông báo từ phòng điều khiển tới các nhà du hành.

Kirobo là robot đầu tiên được đưa lên ISS, nằm trong chương trình nghiên cứu tìm hiểu sự hỗ trợ về cảm xúc cho những người sống cô lập trong thời gian dài.


TTXVN/Tin tức

Đưa vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam vào không gian
Đưa vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam vào không gian

Vào lúc 4h48 (giờ Nhật Bản) tức 2h48 giờ Việt Nam, tại bệ phóng Yoshinobu ở Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản, vệ tinh siêu nhỏ (Pico Dragon) của Việt Nam đã được tàu vận tải HTV4 của Nhật Bản đưa vào không gian.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN