Tranh cãi về tài chính có thể khiến EU không đạt thỏa thuận về các luật khí hậu mới

Liên minh châu Âu (EU) đang tranh cãi về việc làm thế nào để bảo vệ những người có thu nhập thấp trong khối tránh khỏi tác động chính sách "người gây ô nhiễm phải trả tiền" và cuộc tranh cãi này có nguy cơ ngăn cản khối đạt thỏa thuận về một loạt biện pháp xanh mới.

          

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các Bộ trưởng Môi trường của 27 quốc gia thành viên EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ) ngày 28/6 nhằm tìm kiếm đồng thuận về các dự luật đầy tham vọng nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có việc cải cách thị trường khí thải EU và mục tiêu nói không với xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035.

Các dự luật trên được thiết kế nhằm giúp EU đạt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 55% khí thải ròng carbon so với mức năm 1990. Thỏa thuận đạt được tại hội nghị này sẽ tạo cơ sở cho các cuộc thảo luận tại Nghị viện châu Âu (EP) về nội dung luật cuối cùng. Tuy nhiên, trước thềm hội nghị, các nước đã bất đồng về kế hoạch của EU cho ra đời một thị trường khí thải mới vào năm 2026, áp đặt chi phí thải khí đối với các loại nhiên liệu gây ô nhiễm sử dụng trong các tòa nhà và trong hệ thống vận tải.

Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định đề xuất trên là rất cần thiết để giải quyết tình trạng thải khí của các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, những người phản đối lo ngại rằng quy định mới có thể làm tăng hóa đơn năng lượng của người dân, sau khi giá xăng dầu liên tục cán mốc cao mới trong những tháng gần đây và khiến lạm phát phi mã.

Giới chức ngoại giao cho biết bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các bộ trưởng có thể nhất trí về một quỹ mới của EU nhằm giúp các hộ nghèo thanh toán hóa đơn năng lượng và chuyển đổi sang năng lượng sạch hay không. Các nước đang chia rẽ về quy mô của quỹ và cách thức phân bổ nguồn tài chính này. EC đề xuất quỹ sẽ gồm thu nhập từ 1/4 tiền bán giấy phép thải khí trên thị trường khí thải mới, dự kiến khoảng 72 tỷ euro (76 tỷ USD) từ năm 2025-2032. Các nước giàu như Đức và Hà Lan muốn giảm quy mô quỹ, trong khi một số nước như Áo dự kiến chỉ nhận được gần 1% quỹ. Một số nước Trung và Đông Âu cho rằng quỹ nên lớn hơn và không đồng ý với một thị trường khí thải mới nếu không có quỹ này.

Nếu các bên không thể nhất trí về quỹ trên, các đề xuất khác ít khả năng đạt thỏa thuận, kể cả việc cải cách thị trường khí thải hiện nay vì các luật có liên quan đến nhau.

Các bộ trưởng EU cũng sẽ tìm kiếm đồng thuận về kế hoạch của EU cấm bán xe ô tô mới dùng động cơ đốt trong từ năm 2035 nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển sang xe điện. Bộ trưởng Tài chính Đức cho biết thị trường ô tô lớn nhất của khối sẽ không chịu nổi điều này. Trong khi đó, Italy, Bồ Đào Nha, Slovakia, Bulgaria và Romania cũng muốn trì hoãn mục tiêu này đến năm 2040.

Bích Liên (TTXVN)
Giảm khí thải CO2 là chưa đủ để bảo vệ Trái Đất
Giảm khí thải CO2 là chưa đủ để bảo vệ Trái Đất

Theo nghiên cứu mới được đăng tải trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ ngày 23/5, để chống biến đổi khí hậu, thế giới không chỉ phải giảm lượng khí thải CO2 mà còn cần hạn chế các chất gây ô nhiễm ít được biết đến hơn, chẳng hạn như nitrous oxide (N2O) vốn là một tác nhân quan trọng khiến Trái Đất ấm lên. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN