Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh thương mại điện tử đang là một vấn đề được quan tâm. Trong ảnh: Sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Long trên sàn thương mại điện tử “buudien.vn”.
Nguồn: Phạm Minh Tuấn - TTXVN
Cùng với đó, số lượng các nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế… của các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký mở rộng ra nước ngoài cũng tăng, cho thấy sự quan tâm và nhu cầu ngày càng lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với tài sản trí tuệ cũng như nỗ lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong xử lý đơn, cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp.
Theo ông Trần Lê Hồng, quyền sở hữu trí tuệ đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sử dụng ngày càng chủ động, đặc biệt trong chiến lược phát triển thương hiệu và mở rộng ra thị trường quốc tế. Theo báo cáo đến tháng 3/2025, hiện cả nước có khoảng 1 triệu nhãn hiệu được đăng ký, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp trong nước, việc sử dụng hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp… đã giúp nhiều sản phẩm đặc trưng của Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại các thị trường quốc tế như: Mỹ, EU, Nhật Bản để mở rộng kinh doanh và phòng ngừa tranh chấp. Điều đó cho thấy, sở hữu trí tuệ không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mà sở hữu trí tuệ còn là "tấm khiên" bảo vệ nguồn gốc xuất xứ, uy tín, bản sắc địa phương – những yếu tố sống còn trong thị trường toàn cầu hóa.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tiếp cận sở hữu trí tuệ một cách chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu, sáng chế ở nước ngoài cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với kế hoạch thâm nhập thị trường, đặc điểm tiêu dùng và hệ thống pháp lý sở tại. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài là bước đi quan trọng để doanh nghiệp không chỉ giữ được bản quyền, mà còn bảo vệ được lợi ích dài hạn trong môi trường cạnh tranh quốc tế.
Hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam đang được hoàn thiện và mở rộng không ngừng, trở thành công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp bảo hộ tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu và thu hút đầu tư. Trước thực tế số lượng đơn nước ngoài liên quan đến sở hữu trí tuệ vào Việt Nam ngày càng tăng, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ trong xử lý các loại đơn liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ ưu tiên giải quyết các đơn liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia; cần tăng cường truyền thông, đào tạo và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân về vai trò của sở hữu trí tuệ.