"Quả đấm thép" cho ngành công nghệ

Việc xây dựng hệ thống Phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ với kỳ vọng đây sẽ là “quả đấm thép” của ngành KH&CN, tạo ra bước phát triển đột phá.


Để các PTNTĐ phát huy năng lực sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển KH&CN và kinh tế - xã hội, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai hoạt động của các PTNTĐ. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân xung quanh vấn đề này.

Xin Thứ trưởng cho biết hiệu quả hoạt động của các PTNTĐ trong việc đưa các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống thời gian qua?

PTNTĐ được coi là một loại hình tổ chức khoa học và công nghệ, được đầu tư lớn và sẽ là đơn vị mạnh về hoạt động nghiên cứu triển khai, trong đó có nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ. PTNTĐ có quyền tự chủ cao, có hệ thống văn bản quản lý và cơ cấu tổ chức tương đối đầy đủ. Về hoạt động, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục 17 PTNTĐ được đầu tư, đến nay đã có 15 phòng hoàn thành giai đoạn đầu tư và đã thành lập các hội đồng chuyên ngành PTNTĐ.

Thực hiện thí nghiệm đo lưu tốc dòng chảy trên mô hình dự án nâng cấp mở rộng cống Nam Đàn, tỉnh Nghệ An của Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam). Ảnh: Minh Đông-TTXVN


Trong 10 năm qua, hoạt động của PTNTĐ đã có những kết quả quan trọng bước đầu như ra đời PTNTĐ công nghệ sinh học, PTNTĐ về vật liệu (Viện KH&CN Việt Nam), PTNTĐ về hàn và xử lý bề mặt (Bộ Công Thương), PTNTĐ về lọc hóa dầu (Tập đoàn Hóa chất).


Đây là những PTNTĐ có đóng góp cho ngành KH&CN, có nhiều sản phẩm được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống, nhiều công trình được công bố ở quốc tế cũng như trong nước, với đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao. Phòng thí nghiệm trọng điểm về vật liệu đã tạo ra các vật liệu được sử dụng trong thiết bị điều khiển đường dây 500 kV; nghiên cứu về giải mã gene xác định hài cốt liệt sĩ của PTNTĐ về công nghệ sinh học, tiến tới sẽ là giải mã gene người.


Hay như rôbốt hàn tự động của PTNTĐ hàn và xử lý bề mặt được ứng dụng trong các công trình dầu khí. Đối với Viện hóa công nghiệp, PTNTĐ lọc hóa dầu và xúc tác đã nghiên cứu thành công, đưa vào hoạt động các dây chuyền sản xuất vật liệu mới, những hóa chất mới và đã hợp tác với Pháp công bố được nhiều công trình khoa học có giá trị.


Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hai PTNTĐ đang trong giai đoạn đầu tư là PTNTĐ về điện cao áp và bể thử tàu thủy, do những trục trặc và gặp khó khăn trong vấn đề xác định địa điểm hoặc mua sắm trang thiết bị. Thời gian tới hai PTNTĐ này sẽ hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động.

Mức đầu tư xây dựng các PTNTĐ hiện nay như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Các PTNTĐ đều được đầu tư ở mức độ tương đối cao. Từ những năm 2000, mức đầu tư là 3 - 5 triệu USD/PTNTĐ. Cá biệt có phòng thí nghiệm bể thử tàu thủy đầu tư khoảng hơn 8 triệu USD. Đây là mức đầu tư cao đối với một quốc gia còn nghèo như Việt Nam, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ đối với hoạt động nghiên cứu khoa học.


Tuy nhiên, cho đến thời điểm này có thể nói với trình độ phát triển của Việt Nam đã ở vị thế khác (GDP vượt quá 1.000 USD) và khoa học công nghệ thế giới có nhiều thay đổi nên trang thiết bị lạc hậu nhanh chóng, đòi hỏi cần tiếp tục đầu tư. Sắp tới Bộ KH&CN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục đầu tư bổ sung cho các PTNTĐ và yêu cầu PTNTĐ dành một phần kinh phí thu sự nghiệp của họ để tái đầu tư.

Hiện hoạt động của PTNTĐ còn nhiều bất cập, xin Thứ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến hoạt động của PTNTĐ còn nhiều bất cập như: Về cơ chế quản lý, Bộ KH&CN được giao thẩm định và phê duyệt danh mục PTNTĐ trình Thủ tướng Chính phủ.


Khi xây dựng dự án đầu tư PTNTĐ, các cơ quan chủ trì đều có cam kết về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, hạ tầng của PTNTĐ. Nhưng đến khi được phê duyệt thì mới thấy việc thực hiện của các cơ quan chủ trì về cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực lại không đúng như cam kết.


Đấy là chưa kể Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan trình Thủ tướng phê duyệt danh mục PTNTĐ nhưng suốt giai đoạn đầu tư Bộ KH&CN không được tham gia trực tiếp, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ chủ quản của PTNTĐ thực hiện. Bên cạnh đó, chế độ báo cáo của ta còn hạn chế nên Bộ KH&CN không thể đánh giá được các PTNTĐ trong giai đoạn đầu tư có được đầu tư đúng theo định hướng ban đầu hay không.

Sử dụng máy Bioreactơn nuôi cấy tế bào trong môi trường lỏng tại Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Trần Tuấn-TTXVN


Một bất cập nữa là cơ chế tài chính cho PTNTĐ chưa phù hợp. Ban đầu, dự kiến PTNTĐ hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn diện. Nhưng trong quá trình hoạt động thấy phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là những PTNTĐ nghiên cứu cơ bản, rất cần chi thường xuyên ổn định, hỗ trợ các đề tài dự án, rồi phải có hội đồng chuyên ngành để giúp họ định hướng hoạt động và định hình các sản phẩm.


Trong quá trình đó, Bộ KH&CN đã dần dần bổ sung các văn bản và làm việc với các bộ, ngành. Bộ Nội vụ đồng ý giao biên chế, Bộ Tài chính đồng ý giao kinh phí thường xuyên và bổ sung kinh phí hoạt động không thường xuyên cho các PTNTĐ. Cho đến nay có thể nói các PTNTĐ đã có thể yên tâm vì đã có đầy đủ cơ chế chính sách cũng như kinh phí để hoạt động.

Theo Thứ trưởng cần có những giải pháp nào để các PTNTĐ hoạt động có hiệu quả và xứng đáng với vai trò là “quả đấm thép” tạo ra bước đột phá đối với sự phát triển KH&CN?

Chắc chắn là Nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư, vì trang thiết bị sau một số năm đã lạc hậu hoặc xuống cấp; đồng thời cần giám sát chặt chẽ các hoạt động của PTNTĐ. Các Hội đồng chuyên ngành của PTNTĐ phải làm đúng vai trò định hướng trong hoạt động và phải đảm bảo các sản phẩm của PTNTĐ đáp ứng được định hướng đó. Bản thân PTNTĐ phải nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, đầu tư, các PTNTĐ phải tự tạo ra nguồn kinh phí riêng thông qua hoạt động dịch vụ và thông qua cơ chế mở của PTNTĐ, làm sao để các nhà khoa học trong nước và thậm chí nhà khoa học nước ngoài có thể đến làm việc, có hệ thống dịch vụ phục vụ cho họ và thu phí thông qua các hợp đồng sử dụng trang thiết bị, hợp đồng thuê nghiên cứu và công bố những kết quả nghiên cứu có giá trị để nâng cao vị thế, uy tín của PTNTĐ.

Như thế PTNTĐ sẽ có thuận lợi để tăng nguồn thu sự nghiệp, nâng cao đời sống cán bộ khoa học. Nhà nước hỗ trợ mới chỉ đảm bảo mức tối thiểu, còn mức tối đa là do bản thân các PTNTĐ phải phấn đấu. Cho nên, Nhà nước cho cơ chế và cho mức tối thiểu, nếu các PTNTĐ làm tốt thì họ sẽ có nguồn thu nhập tốt hơn, vừa để tái đầu tư, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, vừa để nâng cao đời sống cán bộ.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của PTNTĐ có tác động như thế nào đối với việc triển khai, hoạt động của PTNTĐ hiện nay, thưa Thứ trưởng?

Thứ nhất, hệ thống văn bản đảm bảo cho hiệu quả hoạt động và hiệu quả sử dụng trang thiết bị được Nhà nước đầu tư cho PTNTĐ. Hai là, giúp cho đội ngũ cán bộ khoa học yên tâm làm khoa học bởi được đảm bảo điều kiện làm việc, các chế độ về tiền lương, thu nhập. Ba là, đảm bảo cho các PTNTĐ hoạt động theo đúng định hướng, mục tiêu định ra ban đầu. Bởi vì đã có một hệ thống tổ chức như Cơ quan chủ quản, Cơ quan chủ trì, Ban Giám đốc, Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng các PTNTĐ giúp định hướng và giám sát chặt chẽ hoạt động của PTNTĐ và có cơ chế đánh giá đầy đủ đối với hoạt động của họ.

Xin Thứ trưởng cho biết thêm việc đào tạo nhân lực của các PTNTĐ sẽ được thực hiện ra sao?

Hiện nay, các PTNTĐ tự đào tạo chủ yếu thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của họ, thông qua thực hiện dịch vụ KH&CN. Tuy nhiên, cán bộ các PTNTĐ thuộc biên chế của các viện, các trường nên họ hoàn toàn được quyền tham gia vào hệ thống đào tạo trong nước và nước ngoài, đào tạo đại học, sau đại học. Bởi vậy, họ có thể sử dụng nguồn kinh phí học bổng từ ngân sách nhà nước cũng như các nguồn học bổng của nước ngoài để đào tạo cán bộ đạt trình độ cao.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tiêu chí đánh giá phòng thí nghiệm trọng điểm
Theo văn bản ban hành kèm Thông tư số 09/2010/TT-BKHCN ngày 23/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) được đánh giá theo 3 nhóm tiêu chí sau:
- Sự phù hợp về nội dung hoạt động (hệ số quan trọng là 30%);
- Kết quả hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ (50%);
- Tổ chức quản lý hoạt động (20%). Các nhóm tiêu chí đánh giá được xây dựng thành 2 loại:
- PTNTĐ có chức năng chính là triển khai nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trình độ cao. Cụ thể, tiêu chí về sự phù hợp trong nội dung hoạt động bao gồm tính hợp lý của nội dung nghiên cứu; sử dụng cán bộ nghiên cứu và sử dụng trang thiết bị nghiên cứu. Kết quả hoạt động cần xét trên kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực và các nghiên cứu cấp thiết, ngắn hạn phục vụ các vấn đề KT – XH mới phát sinh. Nội dung tổ chức quản lý hoạt động yêu cầu đảm bảo mức độ hoạt động mở và phối hợp nghiên cứu trong và ngoài nước, cùng công tác quản lý hoạt động.
- PTNTĐ có chức năng chính là nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi, mang tính đột phá trong lĩnh vực chuyên ngành. Trong đó, tiêu chí về sự phù hợp trong nội dung hoạt động bao gồm mức độ cập nhật các công nghệ tiên tiến, tính hợp lý của việc sử dụng cán bộ nghiên cứu, và sử dụng trang thiết bị nghiên cứu. Kết quả hoạt động cần xét trên các công nghệ mới đã được nghiên cứu, các công nghệ cốt lõi, mang tính đột phá trong lĩnh vực chuyên ngành đã làm chủ, các công nghệ đã chuyển giao, đồng thời có nội dung về đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ thử nghiệm công nghệ cho các doanh nghiệp. Nội dung tổ chức quản lý hoạt động yêu cầu đảm bảo mức độ hoạt động mở và phối hợp nghiên cứu trong và ngoài nước cùng công tác quản lý hoạt động.

Phương Nga (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN