Phát triển thị trường công nghệ:“Tiếp sức” thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TS Nguyễn Quân, thị trường công nghệ Việt Nam có vai trò quan trọng để thương mại hóa các sản phẩm KH-CN. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như thúc đẩy cung - cầu công nghệ, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới và chuyển giao công nghệ sẽ được Bộ chú trọng trong thời gian tới. “Phát triển thị trường công nghệ sẽ là ưu tiên số 1”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.

Khởi sắc nhưng mức phát triển chưa cao

Thời gian qua, rất nhiều hoạt động xúc tiến phát triển thị trường công nghệ đã được triển khai, điển hình là các phiên chợ công nghệ và thiết bị (Techmart)- tạo môi trường gắn kết nhà khoa học, nhà quản lý với nhà sản xuất, kinh doanh. Đây được xem là một trong những hình thức hoạt động có hiệu quả để thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH-CN. Thông qua hội chợ, các doanh nghiệp có nhu cầu tìm mua và hỗ trợ các đơn vị có công nghệ, thiết bị cần chào bán đã được cập nhật thông tin kịp thời.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Chợ Công nghệ và Thiết bị vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên 2011 (Techmart Quang Nam 2011). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Số lượng giao dịch mua bán công nghệ trong giai đoạn 2006 - 2010 đã tăng hơn 3 lần, tổng giá trị giao dịch thông qua các hợp đồng được ký kết đã tăng gần 2,5 lần so với giai đoạn 2001-2005 và đạt gần 6.000 tỷ đồng. Nếu tính cả công nghệ, thiết bị được giao dịch thông qua các hội chợ sản phẩm mới thì tổng giá trị các hợp đồng mua bán công nghệ ước tính đạt khoảng 20.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường công nghệ Việt Nam còn đang ở mức phát triển thấp; nguồn cung công nghệ trong nước còn nghèo nàn; số lượng và chất lượng giao dịch công nghệ còn hạn chế; mạng lưới tổ chức dịch vụ mua bán, chuyển giao công nghệ chưa phát triển…

Theo Bộ KH-CN, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho việc đầu tư nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ. Đến nay, chỉ khoảng 0,1- 0,3% doanh thu của các doanh nghiệp được đầu tư cho hoạt động này, trong khi đó đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp ở Ấn Độ khoảng 5% và Hàn Quốc là 10% doanh thu của doanh nghiệp. Năng lực tiếp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nước ta không cao. Công nghệ được mua bán chủ yếu trên thị trường là thiết bị, máy móc và dây chuyền công nghệ toàn bộ.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, có không ít doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tỷ để mua công nghệ nước ngoài nhưng lại dè dặt khi bỏ tiền đầu tư phát triển KH-CN ngay chính doanh nghiệp mình. Điều này cho thấy: Các kết quả nghiên cứu của các tổ chức KH-CN trong nước được áp dụng vào sản xuất kinh doanh không nhiều. Ngay cả các đề tài có kết quả nghiên cứu khoa học được áp dụng vào sản xuất kinh doanh cũng không mấy khi đăng ký được văn bằng bảo hộ sáng chế.

“Biến” nghiên cứu khoa học thành sản phẩm

Mặc dù thị trường KH-CN Việt Nam phát triển chưa mạnh nhưng đại diện Bộ KH-CN vẫn nhận định: Thị trường công nghệ Việt Nam đang có những bước khởi sắc và hứa hẹn tiềm năng, đơn cử như lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT).

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thành Hưng, Bộ TT-TT rất chú trọng xây dựng các cơ chế chính sách nhằm phát huy hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, đưa các sản phẩm và kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó phải kể đến sự đóng góp thành công của các doanh nghiệp TT-TT như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã xây dựng mạng viễn thông với công nghệ hiện đại theo cấu trúc mạng thế hệ sau (NGN), hoàn thành dự án phóng vệ tinh Vinasat-1; phát triển mở rộng mạng thông tin di động và áp dụng công nghệ 3G; mở rộng mạng và cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng…; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang ứng dụng công nghệ NGN cho các dịch vụ VoIP- dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế sử dụng giao thức IP, triển khai mở rộng phủ sóng và phát triển thuê bao di động, phát triển công nghệ 3G… Với kết quả này, người dân Việt Nam ngày càng được hưởng các dịch vụ tiện ích và hiện đại của dịch vụ di động.

Để phát triển hơn nữa khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Bộ KH-CN đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình phát triển thị trường công nghệ với nhiều nội dung mới, trong đó đặc biệt coi trọng việc xây dựng hệ thống các tổ chức dịch vụ trung gian (tư vấn môi giới, đánh giá và định giá công nghệ…) giúp kết nối và thúc đẩy mạnh hơn nguồn cung- cầu công nghệ thị trường.

Nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo, Bộ KH-CN đã triển khai các chương trình đầu tư cải thiện hạ tầng và cơ sở vật chất của ngành; đầu tư xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; mua bản quyền truy cập hệ thống các cơ sở dữ liệu khoa học của quốc tế; triển khai các khu công nghệ cao quốc gia (Hòa Lạc), các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp…

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN