Nga và Ấn Độ góp tiền chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ mới

Báo cáo của Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới (SAMTO) được công bố ngày 16/10 xác nhận Nga và Ấn Độ đang hợp tác thực hiện dự án chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm (FGFA) trị giá 12 tỷ USD, trong đó, mỗi nước đóng góp 6 tỷ USD.

Theo dự án trên, Nga và Ấn Độ sẽ phối hợp thiết kế, sản xuất và tổ chức bay thử nghiệm 144 máy bay tiêm kích đa chức năng Perspective Multi-role Fighter (PMF) và toàn bộ máy bay này sẽ được lắp ráp trên lãnh thổ Ấn Độ.

Máy bay tiêm kích T-50, hình mẫu của thế hệ PMF mới.


Hiện hai bên đang tiến hành thiết kế loại máy bay PMF với số vốn được cấp lên tới 295 triệu USD. Dự kiến máy bay PMF sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt trước năm 2020 với tỷ lệ trang thiết bị của Nga và Ấn Độ là 60/40.

Tham gia dự án này, Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (OAK) của Nga sẽ cung cấp các động cơ và công nghệ stels, còn công ty Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL) sẽ đảm đương khâu lắp ráp máy bay PMF tại Ấn Độ.

Ấn Độ đang thực hiện chủ trương hiện đại hóa quân chủng không quân và có kế hoạch mua 214 máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm của Nga, gồm 166 máy bay một phi công điều khiển và 48 máy bay có hai phi công điều khiển. Hiện Không quân Ấn Độ có gần 130 máy bay tiêm kích đa chức năng Su-30 MKI của Nga mà sắp tới số lượng này có thể sẽ tăng lên tới 270 chiếc, gần 70 máy bay tiêm kích MiG-29 và 200 máy bay MiG-21 cũng của Nga cùng 51 máy bay tiêm kích Mirage 2000 của Pháp.


Trong vòng 2-3 năm tới, Ấn Độ dự kiến sẽ loại bỏ gần một nửa các máy bay này, số còn lại sẽ được nâng cấp và trang bị mới. Mới đây, Niu Đêli đã tiến hành đấu thầu mua 126 máy bay tiêm kích đa năng trị giá hơn 10 tỷ USD với công ty Pháp Dassault Rafale.


TTXVN/Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN