Theo NASA, hơn 5.000 hành tinh được phát hiện cho đến nay bao gồm các hành tinh nhỏ, nhiều đá như Trái Đất, các hành tinh khí lớn hơn nhiều lần so với sao Mộc và các hành tinh "sao Mộc nóng" có quỹ đạo gần sao chủ. NASA đã sử dụng nhiều phương pháp khoa học và kỹ thuật phân tích để xác nhận sự hiện diện của các hành tinh này.
Bà Jessie Christiansen - trưởng nhóm khoa học của NASA Exoplanet Archive, nhà khoa học nghiên cứu của Viện Khoa học NASA Exoplanet tại Caltech, cho biết đây không chỉ là phát hiện mang tính số lượng, vì mỗi một hành tinh là một thế giới hoàn toàn mới, ẩn chứa những khám phá mới mà khoa học chưa từng biết đến.
NASA cũng cho biết các kính thiên văn thế hệ tiếp theo, như siêu kính viễn vọng James Webb, sẽ thu ánh sáng từ bầu khí quyển của hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, thu thập thông tin về các loại khí, từ đó xác định dấu hiệu về môi trường sống khả thi.
Con người đang sống trong thời kỳ hoàng kim của các khám phá ngoài hệ Mặt Trời, dù các nhà khoa học chỉ mới phát hiện các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời đầu tiên vào đầu thập niên 1990. Các phát hiện trước đó đều nhờ đến sự tân tiến của các thiết bị như kính viễn vọng Không gian Spitzer, kính viễn vọng Không gian Kepler và Vệ tinh Khảo sát hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Đến nay, các nhà khoa học đã xác nhận hơn 5.000 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, song có khả năng còn hàng trăm tỷ hành tinh khác nằm trong dải Ngân Hà.