Năng lượng tái tạo ở Việt Nam có phát triển?

Năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là có tiềm năng rất lớn nhưng việc khai thác, sử dụng thì còn rất hạn chế. Liệu trong tương lai, NLTT của Việt Nam có phát triển?

“Vướng” rào cản cơ chế

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về NLTT nhưng mới có chính sách hỗ trợ riêng năng lượng gió. Ông Angelika Wasielke, Hiệp hội Hợp tác Quốc tế Đức tại Việt Nam chia sẻ: Phát triển NLTT ở Việt Nam chậm do những chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển nguồn điện NLTT chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nếu có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa tôi tin rằng NLTT ở Việt Nam sẽ có sự phát triển sáng sủa hơn trong thời gian tới. Cùng quan điểm này, TS Đặng Đình Thống – GĐ Trung tâm Năng lượng mới Việt Nam chia sẻ: Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng NLTT còn ở trình độ thấp, qui mô nhỏ, manh mún và còn mang nhiều ý nghĩa trình diễn chứ chưa chú ý đến áp dụng vào thực tiễn. Công nghệ chủ yếu là hệ nguồn điện mặt trời độc lập cung cấp điện cho các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng này là do Việt Nam thiếu một chính sách quốc gia thích hợp cho NLTT.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn để phát triển NLTT. Ảnh:Duy khương - TTXVN


Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định: ngành NLTT Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) thừa nhận: Chính phủ Việt Nam nhận thấy rất rõ tầm quan trọng của nguồn NLTT ở Việt Nam nên đã và đang có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho NLTT phát triển. Thời gian tới, các nhà quản lý và các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ “bớt lo” khi khung thể chế cho phát triển NLTT đang được xây dựng và sẽ hoàn thiện. Mục tiêu trước mắt là phát triển điện gió ở Việt Nam đạt 5% trong tổng sản lượng điện vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. Cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió gồm giảm và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, phí sử dụng đất, VAT và thuế môi trường. Hy vọng rằng với những chính sách này ngành NLTT Việt Nam sẽ có bước phát triển mới, sẽ có vị trí xứng đáng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Lời giải” cho phát triển NLTT

Nguồn NLTT của Việt Nam được phân bố trên khắp cả nước với tiềm năng năng lượng sinh khối từ các sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp tương đương 10 triệu tấn dầu/năm, tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ còn rất lớn và số giờ nắng trung bình là khoảng 2000 – 2500 giờ/năm và có tới 3400 km bờ biển nên tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời và điện gió cũng rất lớn.

NLTT đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây. Chính phủ đã ưu tiên phát triển điện từ các nguồn NLTT với mục tiêu đạt tỉ lệ là 3,5% tổng sản lượng điện vào năm 2010, lên 4,5% vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030. Việt Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển NLTT trong đó có miễn thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và mua điện gió với giá cao hơn. Với ưu đãi nhất định về thuế và tài chính, Việt Nam sẽ khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực NLTT.

Ông Nguyễn Đức Cường, Trung tâm Năng lượng tái tạo và CDM, Viện Năng lượng Việt Nam khẳng định: Nhu cầu năng lượng và điện của Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới. Đến năm 2030, dự kiến nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng khoảng 4 lần so với năm 2005 và Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho sản xuất điện sau năm 2015. Hiện tại, Việt Nam đang ngày càng thiếu hụt nhiều về năng lượng mà sử dụng nguồn NLTT còn hạn chế. Hiện nay, số các dự án NLTT đi vào hoạt động vẫn còn quá ít và chỉ có vài dự án là điện gió và điện sinh khối nối lưới, việc khai thác còn mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Hy vọng, cùng với cơ chế, chính sách và nhu cầu tiêu dùng thì trong tương lai, nguồn NLTT ở Việt Nam sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của nước ta.

Hoàn Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN