Kỳ thú chống rò rỉ nước bằng... smartphone

Đội trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh với đề tài "Chống rò rỉ nước bằng smartphone" đã giành chiến thắng cuộc thi sáng tạo thông minh về nước năm 2016".

Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam (phải) nói chuyện với ba sinh viên được nhận giải nhất. Ảnh: thesaigontimes.vn

Ngày 6/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi họp báo công bố kết quả cuộc thi. Sản phẩm độc đáo "Chống rò rỉ nước bằng smart phone" dựa trên ý tưởng sử dụng ứng dụng của điện thoại di động để phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước tại các tòa nhà ở thành thị cũng như nông thôn. 

Các tác giả trẻ gồm: Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải và Võ Phi Long, đều đang theo học tại trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tài trợ một chuyến du lịch Thụy Điển và tham dự chương trình Tuần lễ Nước Thế giới tổ chức hàng năm tại thủ đô Stockholm vào tháng 8 tới.

Phát biểu tại buổi họp báo, Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander cho biết, nước là chìa khóa cho sự thịnh vượng trong tương lai. Tuy nhiên, nguồn nước hiện đang chịu nhiều thách thức, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của nhiều quốc gia. Chính vì thế, cuộc thi sáng kiến thông minh về nước 2016 là cơ hội để tìm kiếm các giải pháp giải quyết những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực nước hiện nay và trong tương lai. 

Cho đến nay, cuộc thi đã tìm ra được sáng kiến tốt nhất thông qua ứng dụng điện thoại di động. Đại sứ Camilla Mellander cũng hy vọng, thông qua phần thưởng là chuyến du lịch Thụy Điển, đội chiến thắng sẽ học hỏi và tiếp thu được nhiều kiến thức mới từ Tuần lễ Nước Thế giới tại thủ đô Stockholm và tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong tương lai cho một thế giới bền vững hơn.

Theo đại diện Cục quản lý Tài nguyên nước, Cuộc thi “Sáng kiến thông minh về nước năm 2016” đã thực sự tạo ra những cảm hứng tích cực cho các bạn sinh viên đang theo học tại các trường Đại học để suy nghĩ về các vấn đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu và từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới, sáng tạo liên quan đến nước nhằm tạo ra những sự thay đổi thực sự. 

Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của các trường đại học trên toàn quốc; không chỉ bó hẹp tại các trường có đào tạo chuyên sâu về ngành nước mà còn mở rộng tại các trường khoa học, công nghệ khác như: Đại học quốc gia, Đại học Bách khoa, Đại học Kiến trúc Hà Nội. Các giải pháp được các đội gửi về như: Lọc nước nhiễm mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; lọc và trữ nước bằng vật liệu làm từ xương rồng; giải pháp thiết kế hệ thống thu gom và tái sử dụng nước cũng như các ứng dụng di động giúp cảnh báo rò rỉ nước... có tính ứng dụng cao, hoàn toàn có thể áp dụng ngay sau khi cuộc thi kết thúc, góp phần giải quyết bài toán trữ và cung cấp nước sạch cho người dân Việt Nam, ở thành thị cũng như ở nông thôn.

"Cuộc thi sáng kiến thông minh về nước năm 2016" được phát động từ ngày 18/1, tại Hà Nội, với sự bảo trợ của Viện Nước Quốc tế Stockholm và các doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam như AstraZeneca, Electrolux, ABB, Tetra Pak và SKF. Tất cả các tổ chức đều bày tỏ sự ủng hộ và có những đóng góp tích cực để hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia sáng tạo và sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Nguồn nước thế giới đang ô nhiễm nghiêm trọng như thế nào
Nguồn nước thế giới đang ô nhiễm nghiêm trọng như thế nào

Kết quả nhãn tiền của một thế giới công nghiệp hoá, qua các hoạt động khai thác khí đốt bằng phương pháp bẻ gãy thuỷ lực, hay khoan dầu, có thể rò rỉ vào nguồn nước gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường sống tự nhiên, các loài động vật, ô nhiễm sông suối, đại dương của Trái Đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN