Động lực từ đổi mới cơ chế, chính sách khoa học và công nghệ

Nhận thức được vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN), nhiều địa phương đã chủ động tiến hành những biện pháp đổi mới cơ chế hoạt động, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển hoạt động KH&CN ở địa phương và đã có những kết quả nhất định.

Chuyển biến nhờ chủ động đổi mới

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu KH&CN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được triển khai có hiệu quả đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, từng vùng và cả nước.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất tại Hội thảo khoa học tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN


Đồng Nai là một trong những tỉnh chủ động thực hiện đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo PGS. TS Phạm Văn Sáng - Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai, Đồng Nai đã đổi mới quản lý các đề tài/dự án KH&CN một cách minh bạch, công khai, xóa bỏ hẳn “cơ chế xin - cho”. Tỉnh cũng đã rất thành công trong việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng KH&CN cấp cơ sở theo cơ chế 50/50 (50% kinh phí sự nghiệp KH&CN và 50% kinh phí còn lại bằng nguồn kinh phí của các Hội thành viên, của cá nhân các nhà khoa học và các cá nhân, tổ chức tài trợ khác). Thông qua đó đã tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức của tỉnh trực tiếp tham gia vào các hoạt động nghiên cứu KH&CN, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Quảng Ninh cũng là tỉnh thu hút đầu tư từ xã hội cho hoạt động KH&CN ngày càng lớn. Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Quảng Ninh luôn xác định để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế; xác định trong chỉ đạo, quản lý, điều hành cần tăng cường tiềm lực KH&CN, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, công nhân kỹ thuật lành nghề…

Thời gian qua, các tổ chức, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cả nhân lực và tiềm lực cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Một số ngành chủ lực của Quảng Ninh có được công nghệ mới, công nghệ hiện đại cơ bản do tự đầu tư. Nhờ đổi mới công nghệ, nhiều sản phẩm tạo ra được người tiêu dùng hưởng ứng, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.

Nhờ đó, tiềm lực khoa học của cơ quan quản lý và các tổ chức KH&CN ở Quảng Ninh được đầu tư đã nâng lên đáng kể, nhiều đơn vị được đầu tư đã có đủ điều kiện tiềm lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và có những kết quả đóng góp rõ nét vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; các phòng nghiên cứu, kiểm nghiệm đã được đầu tư tạo lực đủ mạnh để đáp ứng cơ bản các yêu cầu thử nghiệm, kiểm nghiệm phục vụ tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Cần tiếp tục đổi mới

Một thực tế khách quan là phần lớn các tổ chức KH&CN ở địa phương gặp nhiều khó khăn khi thực hiện cơ chế tự chủ, trước hết do nhận thức không đúng về cơ chế này. Bên cạnh đó là tiềm lực yếu, chủ yếu thực hiện các dịch vụ công ích phục vụ công tác quản lý nhà nước, không có đủ nguồn thu để tự bù đắp chi phí hoạt động.

Tại Hội nghị Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH&CN tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, chưa xây dựng được cơ chế đồng bộ để triển khai, chưa có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quán triệt rõ nội dung, ý nghĩa, tính tích cực và tinh thần đổi mới của cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN, có tư tưởng e ngại khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ làm giảm vai trò chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý đối với tổ chức KH&CN.

Theo TS. Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng, Trưởng ban Ban KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), đã đến lúc cần cơ cấu lại tỷ lệ giữa kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN và kinh phí sự nghiệp khoa học cho phù hợp theo hướng kinh phí đầu tư phát triển phải cân đối với kinh phí sự nghiệp. Đồng thời quy định lại rõ ràng vai trò, quyền hạn của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT trong công tác xây dựng dự toán ngân sách và quyết định phương án phân bổ kinh phí ngân sách KH&CN hằng năm. Nhà nước cũng cần ban hành cơ chế mới nhằm khắc phục một số bất cập trong các quy định hiện hành về dự toán và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trong thực hiện các đề tài, dự án KH&CN.

Nhằm giải quyết các vấn đề KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà năng lực của địa phương không đủ để giải quyết, Bộ KH&CN đã hỗ trợ trực tiếp cho địa phương nâng cao tiềm lực và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Theo đó Bộ KH&CN đã triển khai hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết phát sinh ở địa phương, đồng thời tạo điều kiện để địa phương tham gia vào các chương trình cấp Nhà nước và chương trình quốc gia.

Bộ KH&CN cũng hỗ trợ địa phương thành lập các khu công nghệ cao chuyên ngành. Hỗ trợ thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp, địa phương và khu vực. Bộ cũng đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Tăng cường tiềm lực các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN và trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trần Hồng - Phương Hoàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN